1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh Hóa:

Lời giải nào cho tình trạng vợ chồng tuổi "thiếu nhi"?

Bình Minh

(Dân trí) - Dù đã xây dựng đề án về giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở đồng bào dân tộc thiểu số trong 5 năm qua, thế nhưng tình trạng trên không giảm đáng kể. Vài năm nay, con số lại bắt đầu gia tăng.

Năm nào cũng có những cặp vợ chồng tuổi "thiếu nhi"

Huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm đại đa số. Nơi đây, hủ tục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn dai dẳng truyền từ đời nọ sang đời kia. Tình trạng này đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là đói nghèo, thất học.

Đi các bản người Mông, không khó để bắt gặp hình ảnh những người mẹ mặt còn "búng ra sữa" địu con trên lưng, tay bế tay bồng. Những đứa trẻ này phải làm vợ làm mẹ ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".

Lời giải nào cho tình trạng vợ chồng tuổi thiếu nhi? - 1

Những cặp vợ chồng ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" ở "cổng trời" Mường Lát.

Lúc còn cắp sách đến trường, Vàng Thị Pia (bản Khằm, xã Trung Lý) có ước mơ sau này trở thành cô giáo dạy chữ cho con em trong bản. Thế nhưng, khi em bước sang tuổi 15 đã bị Giàng A Lềnh - người cùng bản bắt về làm vợ.

Ở tuổi 20, Pia đã có 3 mặt con và còn đang mang bầu đứa thứ 4. Không công ăn việc làm, lại đông con, cuộc sống khó khăn càng khó khăn hơn dẫn đến phải trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Nhà ông Phó trưởng bản Ón (xã Tam Chung) Giàng A Chìa cũng có con trai lấy vợ ở tuổi "thiếu nhi". Con trai ông Chìa là Giàng A Lâu và con dâu Vàng Thị Súa năm nay mới 16 tuổi nhưng đã có đứa con hơn 2 tuổi. Do lập gia đình khi chưa đủ tuổi nên vợ chồng Giàng A Lâu hiện chưa đăng ký kết hôn, em bé cũng chưa được đăng ký khai sinh theo quy định.

Gia đình ông Chìa có 4 người con thì 3 người tảo hôn. Năm nay ông Chìa 40 tuổi, vợ ông là bà Phàn Thị Nhờ 38 tuổi, nhưng đã có tới 4 cháu nội, một cháu ngoại, có cháu đã học lớp 3. 

Anh Giàng A Chống, Trưởng bản Ón cho biết, liên tiếp từ năm 2016 đến nay năm nào trong bản cũng có những đứa trẻ ở độ tuổi thiếu nhi nên vợ, nên chồng.

"Tảo hôn các cháu chưa đủ tuổi, lấy nhau sinh đẻ không ổn định. Chúng tôi cũng tuyên truyền nhưng không khắc phục được nhiều do hủ tục ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Bên cạnh đó nhận thức của bà con còn hạn chế, nhiều đứa trẻ bố mẹ không cho lấy thì tìm đến lá ngón để tự tử", Trưởng bản Ón cho biết.

Lời giải nào?

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015-2020".

Lời giải nào cho tình trạng vợ chồng tuổi thiếu nhi? - 2

Không khó để bắt gặp những đứa trẻ mặt còn "búng ra sữa" địu con trên lưng ở các bản Mường Lát.

Mục tiêu tổng quát của đề án là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh...

Sau 5 năm thực hiện đề án, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tại tỉnh Thanh Hóa đã giảm đáng kể, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, quá trình thực hiện đề án, do nguồn kinh phí của địa phương rất hạn hẹp nên sau 3 năm, đến năm 2018 mới có kinh phí cho các huyện, dẫn đến nhiều mục tiêu của đề án chưa đạt hiệu quả. 

Bà Trương Thị Huyên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: "Qua rà soát, nạn tảo hôn tập trung ở lứa tuổi 16-17, đồng bào Mông chiếm đa số. Trên thực tế, con số này còn cao hơn nhiều, do những cặp vợ chồng tảo hôn thường giấu, không báo với chính quyền".

Cũng theo bà Huyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là do nhận thức hạn chế, tập quán của đồng bào còn lạc hậu, vẫn còn quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản gia đình, không mang của cải sang họ khác. Bên cạnh đó là tâm lý muốn sớm có con, có người nối dõi, có thêm lao động trong gia đình...".

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rất nặng nề, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của vùng DTTS.

Những năm qua, chúng tôi đã phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa được như mong muốn, nhiều mục tiêu cụ thể của đề án chưa đạt...".

Thống kê của Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, từ năm 2016 đến 2020, huyện Mường Lát có 111 cặp tảo hôn. Thế nhưng chỉ tính riêng 9 tháng năm 2021, số cặp tảo hôn tại đây đã lên tới 69 cặp...