Linh hoạt giờ làm thêm theo tháng "thuận" cho doanh nghiệp, người lao động
(Dân trí) - Liên quan tới điều chỉnh giờ làm thêm, cả doanh nghiệp và người lao động đều muốn bỏ "trần" tăng ca trong tháng để (hiện đang là 40 giờ/tháng) để được vận dụng linh hoạt, chủ động hơn…
Kíp làm 12 giờ/ngày, chưa thấy công nhân than quá sức
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Catalan (chuyên sản xuất gạch ốp lát, đóng tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) Nguyễn Văn Nguyên khái quát tình hình, 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2021, nằm ở "điểm nóng" Yên Phong, công ty phải dừng, giãn việc kéo dài khi thực hiện giãn cách xã hội. Sang 2022, nhiều thời điểm, công ty thiếu nhân lực cục bộ vì nhiều lao động trở thành F0.
Những thiệt hại đã thấy rõ. Dù cố gắng xoay sở để đảm bảo được tiến độ những đơn hàng đã ký, mở L/C xuất khẩu nhưng Catalan cũng phải bỏ, không dám nhận nhiều đơn hàng mới vì tình trạng sản xuất "phập phù".
Là một đơn vị có thế mạnh làm hàng xuất khẩu, chiếm tới 15% thị phần xuất khẩu gạch ốp lát tại Việt Nam, lúc này, doanh nghiệp trông đợi hơn cả đề xuất "cấp cứu" là tăng giờ làm thêm để chạy đua cho những đơn hàng xuất đi Châu Âu, thị trường khó tính, đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục, nội dung đã ký kết.
"Chúng tôi kiến nghị chỉ quy định kiểm soát, giới hạn giờ làm thêm theo năm, không nên khống chế theo tháng, để doanh nghiệp có thể linh hoạt, chủ động hơn trong vận hành vì hầu hết các ngành nghề sản xuất đều có tính mùa vụ, thường tập trung vào những thời điểm nhất định. Vậy nên nếu được linh hoạt sử dụng số giờ làm thêm theo năm sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất" - ông Nguyên nêu quan điểm.
Lãnh đạo Catalan cũng cho biết, thực tế hiện nay, doanh nghiệp đã triển khai những đợt tăng ca trong mỗi tháng với thời lượng làm thêm khoảng 2 giờ/ngày với người lao động. Dây chuyền sản xuất đã tự động hóa nhiều, hầu hết các công đoạn, công nhân chỉ phải bấm nút, vận hành máy móc nên nhìn chung "chưa thấy người lao động kêu làm việc quá sức".
Nói về đề xuất nới trần giờ làm thêm từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, tức thay vì thời lượng tăng ca 2 giờ, người lao động có thể phải làm thêm tới 3-4 giờ mỗi ngày, ông Nguyên khẳng định doanh nghiệp đã từng vận hành với điều kiện tương tự. Cụ thể, khi cần thiết, việc tổ chức 3 ca đã được chuyển thành 2 kíp/ngày, mỗi kíp làm việc như vậy kéo dài 12 giờ, người lao động sẽ có những ngày nghỉ xen kẽ ngày làm việc dài hơi. Công nhân thậm chí thích hơn cách chia kíp như vậy thay vì làm ca.
Xác nhận bản thân cũng mong có thêm thu nhập, Nguyễn Như Trường, nhân sự thuộc Phòng tổ chức hành chính Catalan chia sẻ: "Người lao động nhìn chung mong giờ làm thêm được tăng cao hơn so với hiện tại vì giờ làm thêm có mức lương cao hơn giờ hành chính. Hiện trung bình mỗi buổi tăng ca của chúng tôi chỉ thêm 1,5-2 giờ, làm 20-22 ngày/tháng. Nếu có thể đều đặn làm thêm 2-2,5 giờ một ngày và 23-24 ngày/tháng (tương đương mức 70 giờ/tháng) thì thu nhập với mỗi lao động có thể tăng gấp rưỡi và vẫn có những khoảng thời gian nghỉ xen kẽ trong tuần, trong tháng để đảm bảo việc phục hồi sức khỏe".
Làm thêm 72 giờ/tháng, sẽ có 1-2 Chủ nhật tăng ca, lương gấp đôi
Tương tự, tại Tổng công ty May 10, Phó Tổng Giám đốc Bạch Thăng Long cũng chia sẻ về những khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với doanh nghiệp thời gian qua.
"Các đơn hàng đã được ký từ đầu năm 2021 và không ai lường trước được mức độ dịch lại tăng mạnh như thời gian vừa qua. Tổng công ty có trên 12.000 lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp thành viên ở 8 tỉnh, thành phố. Trước và đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công ty chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Số công nhân bị F0 tăng cao, có thời điểm, có đơn vị có đến 70% công nhân bị F0 phải nghỉ việc từ 10-14 ngày" - ông Long cho biết.
Lãnh đạo May 10 nhẩm tính, từ sau Tết đến giờ, bình quân các xí nghiệp, phân xưởng, số người lao động F0 đã chiếm khoảng 40%. Nhiều công nhân F0 phải nghỉ cả chục ngày, các dây chuyền, năng suất đều giảm tới 50-70%, khiến các đơn hàng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp đã phải làm việc lại với nhiều các đối tác để xin kéo dài thời gian giao hàng.
Vậy nên tăng giới hạn giờ làm thêm lúc này chính là một giải pháp cần thiết giúp doanh nghiệp tăng tốc, bù lại những khoảng thời gian đã bị thiếu hụt vừa qua.
"Thực tế, năng suất lao động trong giờ làm thêm cũng không được như giờ làm chính, chi phí trả lương, lo chế độ phúc lợi đội hẳn lên nên nếu có thể thu xếp thì cũng không doanh nghiệp nào muốn tổ chức tăng ca, thêm giờ gì đâu. Nhưng với dệt may, đặc thù mùa vụ rất lớn mà để lỡ tiến độ giao hàng, hàng không kịp xuống tàu, phải chuyển sang vận chuyển đường hàng không hoặc chấp nhận phạt hợp đồng… thì thiệt hại rất nặng nề. Trong những trường hợp đó, không còn cách nào khác, buộc phải thỏa thuận với người lao động về việc làm tăng ca" - ông Long giải thích.
Tại công ty điện tử Goertek (một doanh nghiệp FDI tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh), Chủ tịch công đoàn công ty Phạm Văn Trung cũng cho biết, đại bộ phận công nhân đều muốn được tăng ca nhiều hơn. Đặc điểm của doanh nghiệp này, tới 65-70% trong tổng số 32.000 công nhân làm việc tại đây đều đến từ các tỉnh phía Bắc hoặc từ khu vực Bắc Trung bộ ra đi làm để kiếm tiền. Xác định mục tiêu rõ ràng như vậy nên người lao động rất mong được nới giới hạn giờ làm thêm để tăng hiệu quả thu nhập.
"Hiện quy định giới hạn làm thêm không quá 40 giờ/tháng, nếu làm đủ thì lương làm thêm đã chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của người lao động, tức thêm được 3-4 triệu đồng/tháng. Nếu giờ làm thêm được tăng lên thì tiện cho công nhân, làm tăng ca xong tranh thủ về ngủ luôn, không phải lo gì nhiều việc sinh hoạt nữa vì đã được đảm bảo 2 bữa ăn tại công ty, đỡ phải tiêu thêm tiền mà thu nhập có thể tăng gấp đôi" - ông Trung giải thích.
Tán thành phân tích từ đại diện công đoàn, Trần Trung Nghĩa (23 tuổi, quê Tuyên Quang, công nhân xưởng Md1) và Đinh Thị Kiều Trinh (22 tuổi, quê Nghệ An, công nhân xưởng E1) chia sẻ mối quan tâm về thông tin Chính phủ đề xuất tăng trần giờ làm thêm, mong quy định sớm được áp dụng.
Hai công nhân trẻ cho biết đã quen với những ngày tăng ca thêm 2-3 giờ theo những đợt ngắn, thấy không đến mức quá sức, quá mệt mỏi, mà thu nhập cải thiện hẳn. Nghĩa, Trinh cũng nắm được cách thức tổ chức, nếu tăng ca đến mức 72 giờ/tháng có nghĩa sẽ có thêm 1-2 ngày Chủ nhật đi làm, không chỉ dồn vào những ngày trong tuần. Lương đi làm ngày nghỉ lại cao gấp đôi ngày thường, tính ra tiền làm thêm có thể còn cao hơn lương tháng.
"Thời lượng làm việc rải đều ra cả tuần như vậy là ổn, mỗi ngày vẫn chỉ làm thêm 2 tiếng, 19h tối tan làm về cũng vẫn còn thời gian buổi tối cho những hoạt động khác, nếu cần" - Nghĩa, Trinh tính toán.