1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lao động tuổi "quá lứa" chật vật mưu sinh, rệu rã khi đã ngoài 50

Hạ Di

(Dân trí) - Ở độ tuổi ngoài 50, lao động các nước đều trong cảnh chật vật kiếm sống với những công việc tự do. Ở độ tuổi này, cả lao động phổ thông lẫn lao động trình độ cao đều dễ mất việc, khó tìm việc mới.

Tuổi "chơi vơi", việc bất ổn

Mirza Shahzada Khurram (58 tuổi, quốc tịch Pakistan) từng là một kỹ sư điều hòa không khí. Tuy nhiên, năm ngoái ông đột nhiên bị sa thải. Từ đầu năm đến nay, ông liên tục gửi sơ yếu lý lịch cho nhiều chỗ nhưng vẫn không tìm được việc vì đã "quá lứa". Thất vọng, ông đành đăng ký lái xe cho hãng Careem để kiếm tiền nuôi gia đình. 

Lao động tuổi quá lứa chật vật mưu sinh, rệu rã khi đã ngoài 50 - 1

Người lao động ngoài 50 tuổi đang phải chật vật làm các công việc tự do vì đột ngột thất nghiệp, khó tìm việc, chưa dành dụm đủ tiền để về hưu (Ảnh: Rest of world).

Mỗi ngày, ông làm việc liên tục từ 8h đến 15h. Vì phải ngồi lái xe trong thời gian quá lâu, dần dà, ông mắc bệnh trĩ và thường xuyên bị đầy hơi, đau bụng.

Hoàn cảnh tương tự như ông Mirza, nhân viên giao hàng Maureen Zephora Khumalo (64 tuổi) thậm chí còn bị bạn bè cười nhạo vì làm công việc dành cho những người trẻ tuổi.

"Với tình hình kinh tế khắc nghiệt, tôi và con cái đều thất nghiệp nên đó là lựa chọn tốt nhất. Thậm chí, tôi chấp nhận làm công việc tự do này đến 80 tuổi", Maureen nói.

Tuổi tác càng lớn, rủi ro về sức khỏe càng cao, Mirza, Maureen và những người lao động lớn tuổi khác vẫn phải chấp nhận mưu sinh, làm những công việc tự do mà không có bảo hiểm xã hội. Bởi họ không còn lựa chọn nào khác, khi họ bỗng dưng thất nghiệp ở độ tuổi rất khó xin việc làm mới.

Lao động tuổi quá lứa chật vật mưu sinh, rệu rã khi đã ngoài 50 - 2

Nolwazi Mtshekexe, một tài xế 50 tuổi ở Johannesburg, làm việc để giúp đỡ ba đứa con của mình (Ảnh: Rest of world).

Tờ Rest of World đã khảo sát 52 người lao động trong độ tuổi 50 đến 75, đến từ Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á.

Những người lao động này cho biết rằng họ đang chuyển sang làm những công việc tự do để tồn tại. Báo cáo của Rest of World còn cho thấy rằng số lượng người lớn tuổi không chọn nghỉ hưu, mà tiếp tục làm công việc tự do dự kiến sẽ tăng trong những năm tới.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo Claudia Mahler, một chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về quyền của người cao tuổi: "Nhiều người lớn tuổi không còn được nhận sự hỗ trợ của gia đình, khiến họ bị bỏ rơi".

Ngoài ra, tiền lương trì trệ trong nhiều thập kỷ, lạm phát dai dẳng và chi phí sinh hoạt cao đã làm cho nhiều người không thể tiết kiệm tiền để an hưởng tuổi hưu. Điều này khiến họ phải tiếp tục làm việc, kiếm tiền dù tuổi đã cao.

"Dư" tuổi làm việc

Bà Rasamany Vettivelu, một tài xế xe công nghệ Grab tại Malaysia, kiểm tra thông báo điện thoại vào ngày sinh nhật thứ 75 của mình. Tuy nhiên, bà không nhận một lời chúc mừng nào từ công ty đối tác. Thay vào đó, ứng dụng của hãng thông báo rằng bà đã quá già để làm việc cho nền tảng.

Thực tế, tại Malaysia, Grab có giới hạn điều kiện làm việc với tài xế là 69 tuổi. Sau sự việc, bà Wee Ka Siong, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia, nói với truyền thông địa phương rằng Chính phủ không có giới hạn độ tuổi tối đa đối với tài xế xe công nghệ và yêu cầu các nền tảng phải linh hoạt hơn.

Lao động tuổi quá lứa chật vật mưu sinh, rệu rã khi đã ngoài 50 - 3

Việc các nền tảng xe ôm công nghệ đặt ra giới hạn về độ tuổi của đối tác đang gây khó khăn cho người lao động lớn tuổi (Ảnh: Rest of world).

Ông Huỳnh Thanh Long (51 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng gặp trở ngại khi xin việc tại các hãng taxi truyền thống. Vì tuổi ngoài 50, ông không được công ty nhận vào làm. Vì thế, ông phải chật vật tìm một hãng xe ôm công nghệ không có giới hạn tuổi tác, rồi đăng ký vào làm tài xế.

Tại Việt Nam, hãng Grab có giới hạn về độ tuổi cho tài xế là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ; người lái xe ô tô bị giới hạn ở mức 65 tuổi đối với nam và 60 đối với nữ. ShopeeFood chỉ tiếp nhận tài xế ở độ tuổi tối đa 55.

Ngoài ra, đơn vị Xanh SM cũng có giới hạn độ tuổi là 55 tuổi đối với tài xế ô tô và 60 tuổi đối với tài xế xe máy. Nền tảng gọi xe và giao hàng Be không có giới hạn độ tuổi và giới hạn của Gojek là 70.

Chia sẻ tới tờ Rest of World, ông Minh, một tài xế giao hàng ở TPHCM cho hay, vì muốn có thêm thu nhập để lo cho vợ và con nên đã đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ. Thế nhưng, độ tuổi 63 của ông đã không cho phép ông trở thành đối tác của các hãng xe ôm nghệ lớn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc điều hành toàn cầu của công ty, nói với Rest of World: "Chúng tôi thiết lập các quy tắc này dựa trên chuẩn mực thị trường. Người lái xe bắt buộc phải có sức khỏe tốt để điều khiển phương tiện giao thông".

Ở Đông Nam Á, nơi dân số đang già đi nhanh chóng, công việc tự do nổi lên như một cơ hội hiếm có cho những người lao động lớn tuổi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại giới hạn độ tuổi lao động trong khoảng từ 55 đến 70 tuổi. Vì thế, điều này tạo ra sự lo lắng cho những người lao động lớn tuổi đang cố bám víu vào những công việc tự do này.

Không chỉ các hãng xe ôm công nghệ, một số công ty taxi truyền thống cũng ra thông báo chỉ tuyển dụng tài xế dưới 50 tuổi. 

GS.TS.Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, lý giải nguyên nhân các công ty giới hạn độ tuổi của người lao động khi tuyển dụng: "Tuổi càng cao thì nguy cơ gây tai nạn càng lớn. Vì vậy, công ty lo ngại về vấn đề bồi thường sau những vụ tai nạn ấy".