Lao động môi trường ẩm ướt, lạnh lẽo có thể hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm nếu mắc các bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành.
Hiện nay, nhiều môi trường làm việc ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động như ô nhiễm bụi, tiếng ồn... dẫn đến người lao động bị giảm sút khả năng lao động khi không may mắc phải một số căn bệnh nghề nghiệp.
Như trường hợp của bà Trần Thị Thơm, ngụ tỉnh Cà Mau. Bà Thơm cho biết bà có nhiều năm làm công nhân ở một công ty chế biến thủy sản tại địa phương. Bà Thơm tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm.
Theo bà Thơm, làm công nhân chế biến tôm nguyên liệu tươi nên bà thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, lạnh lẽo. Nhiều năm trong môi trường này nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bà, cụ thể bị viêm da khá nghiêm trọng.
Bà Thơm muốn được biết với tình trạng bệnh của mình thì có được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay không và nếu có thì hưởng như thế nào.
Theo Luật sư Nguyễn Duy Sơn (Công ty Luật Thái Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu), Luật An toàn vệ sinh lao động có quy định về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể, Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.
Luật sư Nguyễn Duy Sơn cho biết, theo danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó có "Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài".
"Trường hợp của bà Thơm làm công nhân chế biến thủy sản, thường xuyên tiếp xúc ở môi trường ẩm ướt, lạnh và bị bệnh viêm da phù hợp với điều kiện được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp", Luật sư Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, Điều 48 của Luật An toàn vệ sinh lao động cũng quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần; bị suy giảm từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Cụ thể, mức trợ cấp một lần: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Mức trợ cấp hằng tháng: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Ngoài các mức trợ cấp trên, còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
"Căn cứ các quy định trên, bà Trần Thị Thơm có thể liên hệ với nơi làm việc và cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện các quyền lợi, chế độ của mình", Luật sư Nguyễn Duy Sơn đề nghị người lao động.