1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Làm sao khi công ty cũ không chốt sổ bảo hiểm xã hội?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều lao động nghỉ việc nhưng công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho họ. Do đó, người lao động không được hưởng các chế độ sau khi nghỉ việc.

Chị Đào Hải C. phản ánh, khi sắp sinh, chị đã xin nghỉ việc đúng quy định với ý định tự làm thủ tục nhận trợ cấp thai sản. Tuy nhiên, công ty không thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho chị nên chị không thể hoàn tất thủ tục nhận trợ cấp thai sản. Chị C. thắc mắc: "Tôi có thể khiếu nại về việc công ty cũ chưa chốt sổ BHXH cho tôi hay không?".

Làm sao khi công ty cũ không chốt sổ bảo hiểm xã hội? - 1

Khi nghỉ việc, chốt sổ BHXH là việc người lao động cần làm đầu tiên (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Theo BHXH Việt Nam, Khoản 5 Điều 21 của Luật BHXH 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động là: "Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".

Khoản 3, Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt như sau: "Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động".

Kể cả trường hợp công ty đang nợ BHXH thì cũng phải giải quyết, chốt sổ BHXH cho người lao động nghỉ việc để hưởng các chế độ BHXH theo quy định.

Cụ thể, Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46.96 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam quy định: "Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH".

Do đó, người lao động nghỉ việc phải yêu cầu công ty cũ chốt trả sổ BHXH cho mình. Nếu đơn vị sử dụng lao động cố tình không chốt sổ BHXH trả cho người lao động thì người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện tới Tòa án nhân dân nơi đơn vị đặt trụ sở chính về hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Khi bị khiếu nại, người sử dụng lao động có hành vi "không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật" có thể bị cơ quan thanh tra lao động xử phạt theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Đồng thời, đơn vị thanh tra lao động sẽ buộc người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động.

Làm sao khi công ty cũ không chốt sổ bảo hiểm xã hội? - 2

Mức phạt đối với người sử dụng lao động không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động (Ảnh: Tùng Nguyên).