1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Làm sao để có lương hưu hơn 140 triệu đồng/tháng?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hiện người lĩnh lương hưu cao nhất TPHCM là hơn 140 triệu đồng/tháng. Nhiều người thắc mắc vì sao có thể được hưởng mức lương hưu cao như vậy?

Tại hội nghị thông tin hoạt động quý II/2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM cho biết người nhận lương hưu cao nhất thành phố là hơn 140 triệu đồng, gấp 70 lần so với người hưởng lương hưu thấp nhất.

Thông tin trên gây bất ngờ vì nhiều người không nghĩ lương hưu của người lao động lại chênh lệch quá lớn đến như vậy.

Theo BHXH Việt Nam, người có mức lương hưu cao nhất TPHCM là ông P.P.N.T, cũng là người có mức lương hưu cao nhất Việt Nam.

Nguyên nhân ông T. có mức lương hưu cao vì nhiều năm liền ông giữ chức vụ quản lý tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức lương tháng làm căn cứ đóng BHXH gần 250 triệu đồng/tháng.

Do đó, khi nghỉ hưu vào năm 2015, lương hưu của ông T. đã là 87 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần điều chỉnh tăng lương của nhà nước, mức lương hưu của ông T. đã tăng lên 124.700.000 đồng/tháng vào năm 2022.

Lần gần nhất là vào năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo Nghị định trên, ông T. lại được tăng lương hưu thêm 12,5%.

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2023/TT-BLĐTBXH, mức lương hưu mới của ông T. được áp dụng từ ngày 1/7/2023 là bằng mức lương hưu cũ nhân với 1,125; tức là hơn 140 triệu đồng.

Dự kiến sắp tới, cùng thời điểm thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7, lương hưu cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm một lần nữa thì lương hưu của ông T. có thể còn tăng thêm.

Làm sao để có lương hưu hơn 140 triệu đồng/tháng? - 1

Lương hưu định kỳ được Chính phủ điều chỉnh tăng thêm để đảm bảo mức sống cho người về hưu (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Tuy nhiên, những người tham gia BHXH sau năm 2006 (khi Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực) sẽ không thể có mức lương hưu cao như ông T.

Theo quy định của Luật BHXH, mức hưởng lương hưu được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu nhân với bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.

Dù tham gia BHXH bao nhiêu năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của người lao động là 75% bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH cũng được quy định mức trần là 20 tháng lương cơ sở, bất kể lương thực tế của người lao động là bao nhiêu.

Thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực là ngày 1/7/2007. Thời điểm đó, lương cơ sở là 450.000 đồng/tháng nên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tối đa là 9 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng nên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tối đa là 36 triệu đồng/tháng.

Sắp tới, khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì Chính phủ sẽ ban hành một mức tham chiếu để tính toán tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tối đa. Tuy nhiên, có thể sẽ không có mức tăng đột biến so với lương cơ sở hiện tại.

Như vậy, từ thời điểm 1/7/2007 đã không còn những người được đóng BHXH với mức lương đến 250 triệu đồng/tháng như ông T.

Do đó, sẽ không có những người được hưởng lương hưu hàng trăm triệu đồng, cao hơn gấp 70 lần người hưởng lương hưu thấp nhất như ông T. hiện nay.

Từ ngày 1/7, khi bãi bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ hướng dẫn sử dụng mức tham chiếu để tính toán thay cho lương cơ sở.

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo dành riêng Điều 8 để quy định về mức tham chiếu này.  

Theo đó, mức tham chiếu dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH. Mức tham chiếu được áp dụng bằng mức lương cơ sở cho đến khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ. Từ thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở.

Ngoài ra, mức tham chiếu còn được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.