1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lương hưu cao nhất và thấp nhất chênh lệch hơn 70 lần

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Người lãnh lương hưu thấp nhất chưa tới 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, người nhận mức lương cao nhất mỗi tháng tới hơn 140 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có gần 250.000 người hưởng lương hưu nhưng mức hưởng chênh nhau khá cao.

Lương hưu cao nhất và thấp nhất chênh lệch hơn 70 lần - 1

Ông Nguyễn Quốc Thanh thông tin về tình hình chi trả lương hưu trên địa bàn thành phố (Ảnh: CTV).

Hiện người hưởng lương hưu thấp nhất trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt đến 2 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả chỉ tiêu về thu nhập của hộ nghèo thành phố (thu nhập dưới 3 triệu đồng/người/tháng là hộ nghèo). Thực tế, mức lương hưu tối thiểu theo quy định hiện hành là 1,8 triệu đồng/tháng, bằng lương cơ sở.

Trong khi đó, người hưởng lương hưu cao nhất là ông P.P.N.T., nhận hơn 140 triệu đồng/tháng, gấp 70 lần so với người hưởng lương hưu thấp nhất. Đây cũng là người có lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay. 

Tuy nhiên, ông Quốc Thanh khuyến cáo người lao động không nên lo lắng là mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện tại thấp thì tương lai lương hưu cũng thấp như vậy.

Lý do, khi đến tuổi nghỉ hưu, lương hưu của người lao động sẽ được nhân thêm hệ số điều chỉnh theo tỷ lệ trượt giá ban hành hằng năm. Mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trước đều được nhân thêm hệ số 3-4 lần.

Lương hưu cao nhất và thấp nhất chênh lệch hơn 70 lần - 2

Mức điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu năm 2024 (Ảnh: Tùng Nguyên).

Đối với người đang hưởng lương hưu, Quốc hội, Chính phủ cũng thường xuyên có chính sách tăng lương hưu để đảm bảo đời sống cho người nghỉ hưu.

Từ năm 1995 đến hết năm 2023, Việt Nam đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Như trường hợp ông P.P.N.T. hiện hưởng mức lương hơn 140 triệu đồng/tháng, khi nghỉ hưu vào năm 2015, mức lương của ông chỉ hơn 87,3 triệu đồng/tháng. Thực tế, sau 6 lần tăng lương hưu, ông T. mới nhận mức lương cao gần gấp đôi thời điểm vừa nghỉ hưu.

Dự kiến sắp tới, cùng thời điểm thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7, lương hưu cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm một lần nữa.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu từ thời điểm này, chia thành 3 nhóm.

Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, lương hưu được điều chỉnh không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.

Nhóm thứ hai là những người hưởng lương ngân sách mà nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024. Bộ này cho rằng, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.

2 tháng trước, BHXH Việt Nam nêu đề xuất tăng lương hưu thêm 8%. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương của người lao động cả nước nâng lên. Mức tăng lương ở khu vực nhà nước dự kiến khoảng 23-30%. Nếu lương hưu không được điều chỉnh hợp lý thì người hưởng lương hưu rất thiệt thòi. Do đó, mức tăng lương hưu tương ứng ít nhất phải là 15%.