Kỹ sư giám sát xây dựng có được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động?
(Dân trí) - Theo quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Vừa qua, báo Dân trí nhận được nhiều thắc mắc liên quan đến việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, bạn đọc Nguyễn Tiến An (33 tuổi, quê Ninh Bình) cho hay: "Tôi là kỹ sư giám sát các công trình xây dựng có được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? Nếu đóng thì khi xảy ra tai nạn, tôi được hưởng những gì?".
Bạn đọc Trần Thế Mỹ (28 tuổi, ngụ An Giang) hỏi: "Tôi là công nhân vệ sinh, thường xuyên tiếp xúc với các loại khí thải độc hại, tôi có nên đóng bảo hiểm tai nạn lao động không?, Mức đóng ra sao?".
Trả lời thắc mắc trên, Luật sư Nguyễn Hữu Thuận (đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, tất cả người lao động cần được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động để phòng ngừa khi bị tai nạn sẽ giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi điều trị. Đặc biệt, những lao động thường xuyên làm việc trong các môi trường nguy hiểm càng cần phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo quy định tại Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới 3 tháng thì sẽ là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động.
Theo điểm C khoản 1 Điều 6, Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo quy định tại Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì người sử dụng lao động hàng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại Điều 43 của Luật này vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nếu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí thuốc men, điều trị y tế. Cụ thể, BHYT sẽ chi trả 80%, còn 20% công ty sẽ chi trả.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ trả toàn bộ tiền lương từ khi xảy ra tai nạn lao động đến khi điều trị ổn định thương tật. Theo quy định của Điều 48, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% được hưởng trợ cấp một lần.