Điểm tựa cho nam công nhân 19 tuổi khi gặp tai nạn lao động

Xuân Hinh

(Dân trí) - Ở tuổi 19 tuổi, chàng công nhân bị tai nạn lao động phải cưa hai chân, tỷ lệ thương tật 85%. Nhờ tham gia bảo hiểm xã hội, anh Điền được miễn phí điều trị và nhận chế độ bảo hiểm 3,5 triệu đồng/tháng.

Điểm tựa cho nam công nhân 19 tuổi khi gặp tai nạn lao động - 1

Bị cụt hai chân ở tuổi 19 khiến cuộc sống của anh Điền rẽ sang một hướng khác, khắc nghiệt hơn.

Thanh xuân nghiệt ngã

Anh Nguyễn Thanh Điền (SN 32 tuổi, quê An Giang) phải bỏ học từ lớp 8 để lên Bình Dương mưu sinh. Không có bằng cấp, Điền được giới thiệu đi làm phụ hồ, hưởng lương công nhật, có khi vài chục, có khi chỉ đủ ăn 3 hộp cơm. Ba mất sớm, Điền dù biết cuộc sống khó khăn nhưng luôn tằn tiện để phụ giúp mẹ. 

Sau 2 năm tha hương, tài sản của Điền chẳng có gì đáng giá, thất nghiệp liên miên. Giữa năm 2018, Điền xin vào Công ty TNHH Box - Pak (Bình Dương) làm công nhân. Dù mức lương không cao nhưng Điền có thể dư ra vài triệu đồng gửi cho mẹ mỗi tháng, được tham gia bảo hiểm xã hội.

Vừa ổn định được một năm, tai họa ập đến, Điền bị tai nạn trong lúc đang đứng máy làm việc. Ở tuổi 19, chàng công nhân bị cưa cụt hai chân, hàng tháng trời đối diện với 4 bức tường ở bệnh viện. Thời điểm đó, Điền thực sự chẳng thiết tha với cuộc sống. Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu anh: "Có đi làm được không, cuộc sống sẽ đi về đâu".

Điểm tựa cho nam công nhân 19 tuổi khi gặp tai nạn lao động - 2

Do là trụ cột của gia đình nên dù bị cụt hai chân, anh Điền vẫn nhận sửa chữa đồ gia dụng mỗi tối để kiếm thêm thu nhập.

"Khi tôi bị tai nạn lao động, công ty và bảo hiểm xã hội chi trả toàn bộ chi phí điều trị và thuốc men lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau khi ra viện, công ty còn giới thiệu tôi đi giám định y khoa và làm các thủ tục để tôi được nhận chế độ bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng. Hiện nay, tôi nhận được chế độ trợ cấp bảo hiểm TNLĐ - BNN ở mức 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Đây là số tiền giúp tôi trang trải cuộc sống", anh Điền cho biết.

Anh Điền tâm sự, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ba mất sớm, mẹ đau ốm thường xuyên. Dù bị tai nạn lao động nhưng anh vẫn là trụ cột trong nhà.  Sau khi bị tai nạn lao động, công ty cho anh đi học nghề về công nghệ thông tin rồi sắp xếp làm việc văn phòng.

Bây giờ, hàng tháng, ngoài tiền lương anh còn thêm một khoản tiền từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ - BNN để chi tiêu và gửi về quê hỗ trợ gia đình. Với số tiền từ bảo hiểm xã hội đã giúp anh và gia đình rất lớn trong cuộc sống.

Điểm tựa cho nam công nhân 19 tuổi khi gặp tai nạn lao động - 3

Sau tai nạn, chị Hạnh được công ty bố trí công việc phù hợp với sức khỏe.

"Điểm tựa" kinh tế cho người bị tai nạn lao động

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, làm việc tại Công ty HH Newapparel Fareastern (Bình Phước). Đầu năm 2021, trong lúc làm việc bị kéo cắt chỉ sượt qua mắt, phải phẫu thuật. Trong thời gian điều trị vì tai nạn lao động, chị Hạnh được công ty và bảo hiểm xã hội chi trả mọi khoản viện phí và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. 

Khi đã lành vết thương, chị Hạnh được công ty làm mọi thủ tục để hưởng chế độ từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN. Vì tỷ lệ thương tật là 21% nên chị Hạnh được hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN một lần với số tiền trên 26 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị cũng được công ty hỗ trợ thêm khoảng 21 triệu đồng sau lần tai nạn lao động đó.

"Hiện tại sức khỏe của tôi đã ổn định mặc dù một bên mắt nhìn không rõ lắm. Sau khi bị tai nạn lao động tôi vẫn được công ty sắp xếp công việc phù hợp để đi làm. Số tiền chi trả từ bảo hiểm xã hội và hỗ trợ từ công ty đã giúp tôi rất nhiều sau khi bị bệnh. Tôi thấy việc đóng bảo hiểm xã hội rất quan trọng trong cuộc sống. Bây giờ mỗi lần thấy mắt bị ngứa tôi đều đi khám và cắt chỉ, toàn bộ chi phí này bảo hiểm xã hội cũng chi trả cho tôi", chị Hạnh chia sẻ. 

Điểm tựa cho nam công nhân 19 tuổi khi gặp tai nạn lao động - 4

Công nhân ở Bình Dương đều được hỗ trợ đầy đủ các chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Vsip Bình Dương cho biết, mỗi công nhân bị tai nạn lao động đều được công đoàn phối hợp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm TNLĐ - BNN, chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Không những thế, công đoàn khu, công đoàn cơ sở có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ và kết hợp với doanh nghiệp sắp xếp công việc phù hợp cho người lao động sau khi bị tai nạn lao động.

"Hằng năm, công đoàn chia sẻ khó khăn với công nhân bị tai nạn lao động bằng những phần quà và tiền mặt. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, động viên anh chị em công nhân cố gắng vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng chính bản thân mình làm một người có ích cho gia đình và xã hội", bà Chi cho hay.

Linh Sơn