Cần Thơ:
Không bị "lọt sổ", người dân gánh cá tra, hái trái cây vui mừng nhận hỗ trợ
(Dân trí) - Nhiều lao động tự do vùng sâu, vùng xa trên địa bàn TP Cần Thơ tưởng rằng bị "lọt sổ" trong việc hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, nhưng nay đã vui mừng khi được hỗ trợ 2 triệu đồng/người.
Nhiều nghề đặc thù nhận được hỗ trợ
Anh Nguyễn Văn Chuyện (Khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An) có hơn 5 năm gắn bó với nghề gánh cá tra thuê. Trước khi dịch bệnh xảy ra, gia đình anh "sống khỏe" với nghề gánh cá tra: Trung bình một ngày làm công, thu nhập từ 200.000-400.000 đồng. Tuy nhiên, từ khi có dịch và địa phương thực hiện Chỉ thị 16, anh Nguyễn Văn Chuyện ở nhà suốt 2 tháng qua.
"Vợ tôi mới sinh con, đứa con lớn đang trong tuổi ăn tuổi học nên một mình tôi làm ra tiền. Nhưng 2 tháng qua ở nhà, khiến cuộc sống khó khăn vô cùng. Vừa rồi, được cán bộ ngành lao động, hướng dẫn thủ tục nhận được hỗ trợ 2 triệu đồng, vợ con mừng lắm. Tôi không nghĩ làm công việc gánh cá tra mà cũng được nhà nước quan tâm", anh Nguyễn Văn Chuyện chia sẻ.
Theo cán bộ phụ trách lao động phường Thuận An, trong đợt 1, phường tiếp nhận và xét duyệt hơn 1.200 hồ sơ lao động tự do, trong đó có khoảng 20 hồ sơ người dân quanh năm sống bằng nghề gánh cá tra.
Ngoài ra, nhiều hộ dân làm nghề đan lát, giặt bao đựng lúa, hái trái cây… đang được địa phương xem xét.
Theo chị Hồ Thị Phương, một người có nhiều năm qua sống bằng nghề giặt bao đựng lúa cho các nhà máy xây xát ở địa phương, cán bộ đã đến phát phiếu đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, đến ngày 20/9, 9/9 quận, huyện đã chi hỗ trợ 7.121/7.690 người bán vé số lẻ với kinh phí hơn 10,3 tỷ đồng.
4 nhóm đối tượng lao động tự do còn lại, tất cả 9/9 quận, huyện đã trình UBND thành phố xem xét phê duyệt hỗ trợ cho hơn 61.000 người; có 9/9 quận, huyện được phê duyệt hỗ trợ hơn 42.800 người, kinh phí hơn 85,6 tỷ đồng. Trong đó, có 4/9 quận, huyện đã chi hỗ trợ 14.430 người, kinh phí hơn 28, 8 tỷ đồng.
Còn tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ TP Cần Thơ, hầu hết người dân sống với nghề nông nghiệp. Với những hộ dân nghèo khó, không đất canh tác đi phun thuốc trừ sâu, rải phân thuê hoặc đi cắt lúa, đào đất thuê sinh sống…
Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân này rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu.
Ông Hoàng Hậu Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thắng huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết, địa phương có nhiều nghề đặc thù với ngành nông nghiệp. Hiện địa phương đang tập trung phát phiếu đề nghị hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, nhưng phải đúng đối tượng.
Theo ông Giang, trong nhiệm vụ xác định nhóm nghề nông nghiệp để xét hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, vai trò của trưởng ấp, trưởng khu vực rất quan trọng. Vì chỉ có họ mới biết người dân nào quanh năm sống bằng nghề phun thuốc, rải phân thuê, người dân nào làm phụ hồ, bán bánh dạo…
"Địa phương tập huấn nhiều lần cho các trưởng, phó ấp, nhóm lao động nào rõ ràng, cụ thể thực hiện trước. Còn nhóm nào chưa xác định được và chưa nhận được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, địa phương tổng hợp xin ý kiến cấp trên". Ông Hoàng Hậu Giang cho biết.
Bà Võ Thị Ánh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Thốt Nốt cho biết, theo Nghị quyết số 52 của HĐND TP Cần Thơ về xem xét cho 5 nhóm ngành nghề được hỗ trợ, trong đó, nhóm 1, 2 và nhóm 4 dễ thực hiện.
Riêng nhóm 3 - lao động thời vụ, nhóm 5 - lao động khác; hai nhóm này chưa cụ thể rõ ràng nên ngành lao động và các địa phương còn nhiều lúng túng trong quá trình rà soát, hướng dẫn khi xem xét đối tượng hỗ trợ.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, chia sẻ: "Đây là một chính sách an sinh xã hội hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm động lực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, giúp củng cố niềm tin của Nhân dân với chính quyền".
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, việc mở rộng đối tượng thụ hưởng theo nhóm 3, nhóm 5 của Nghị quyết 52 của HĐND TP Cần Thơ tạo sự linh động cho địa phương trong rà soát đối tượng phù hợp với đặc thù, tính chất lao động tự do của từng địa phương.
"Qua đó cho thấy việc trao hỗ trợ không chỉ đảm bảo sự bám sát thực tiễn, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch Covid-19", bà Trần Thị Xuân Mai cho biết.
5 nhóm lao động tự do được nhận hỗ trợ
Ngày 27/8, HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 52 về việc ban hành chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp động (lao động tự do), với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người.
Theo đó, có 5 nhóm đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ, gồm: Bán vé số lẻ (nhóm 1); Bốc vác, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy (xe ôm truyền thống); Buôn bán hàng rong, bán hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi; sửa xe, rửa xe, sửa đồ gia dụng (nhóm 2); Lao động làm việc thời vụ (nhóm 3); Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch (nhóm 4); Làm các công việc khác phải tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng dịch Covid-19 (nhóm 5).