1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Khi hoa hậu, người đẹp chết sững vì câu hỏi "sao trên mạng đẹp thế, mà..."

Hoài Nam

(Dân trí) - Á hậu Thùy Dung, nữ vương Vietnam 's Next Top Model Nguyễn Oanh cùng chia sẻ về những áp lực từ thế giới ảo trên mạng xã hội với cuộc sống đời thực không hoàn hảo của chính mình và mỗi người...

Áp lực từ mạng xã hội đối với nữ giới là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm "Vẻ đẹp ngàn like" trong khuôn khổ Diễn đàn nữ sinh Việt Nam diễn ra ngày 29/10 tại TPHCM do SaigonChildren's Charity tổ chức.

Khi hoa hậu, người đẹp chết sững vì câu hỏi sao trên mạng đẹp thế, mà... - 1

1.000 nữ sinh tham dự Diễn đàn nữ sinh Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Anh).

Tại chương trình, Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2016 Thùy Dung cho biết, cô là cư dân mạng non trẻ, mới chỉ có thời gian gần 7 năm sử dụng mạng xã hội với tài khoản Instagram.

Cô nhận thấy trên mạng, mỗi người có xu hướng đăng tải những gì đẹp đẽ nhất làm người khác tưởng rằng cuộc sống của mình quá hoàn hảo. Người nhận thông tin sẽ so sánh cuộc sống của mình với thế giới trên mạng - một thế giới vốn dĩ không thực tế. 

Á hậu Thùy Dung dẫn tình huống, có người đang ăn miếng bánh rất ngon, thấy rất hài lòng với cuộc sống của mình, cho đến khi người đó vô tình lướt mạng, thấy người khác đăng cảnh ngồi ăn ở nhà hàng Pháp. Dù không chủ động nhưng trong tiềm thức, người tiếp nhận thông tin có sự so sánh, chạnh lòng. Cứ ngày này qua tháng khác như vậy họ dễ trở nên tự ti, chán nản... 

Áp lực đăng gì lên mạng cũng phải đẹp, hoàn hảo 

Trước thắc mắc làm sao vượt qua mặc cảm ngoại hình khi luôn so sánh mình với người đẹp trên mạng xã hội của nhiều nữ sinh, người mẫu Nguyễn Oanh - quán quân Vietnam 's Next Top Model 2014 - chia sẻ cô đã từng gặp tình huống có người hỏi: "Sao trên mạng mày đẹp thế, ngoài đời đen thế?". 

Nữ người mẫu kể, khi chụp ảnh, bạn bè cô thường dùng app để chỉnh cho má cô hóp lại, mặt dài ra, mắt to lên, môi cong gợi cảm... Nhìn những bức ảnh đó, đôi khi cô còn thấy sợ vì đó không phải là mình.

"Tôi nói với bạn bè: "Làm ơn, với những bức ảnh như vậy đừng tag (gắn thẻ) tôi vào", người mẫu Nguyễn Oanh bày tỏ. 

Cô gái cho biết, cô không đăng tải cuộc sống, hình ảnh của mình lên mạng xã hội quá nhiều. Cô không thích chứng tỏ, phô bày cuộc sống của mình để mọi người đánh giá, bình phẩm trên đó. 

Khi hoa hậu, người đẹp chết sững vì câu hỏi sao trên mạng đẹp thế, mà... - 2

Á hậu Thùy Dung và người mẫu Nguyễn Oanh chia sẻ về... vẻ đẹp trên mạng xã hội (Ảnh: Quỳnh Anh).

Bản thân cô cũng không mất thời gian chỉnh ảnh hay nghĩ ra một trạng thái nào đó để đăng lên mạng, chủ yếu cô đăng theo cảm xúc, bối cảnh. 

Á hậu Thùy Dung thừa nhận, thời gian đầu sử dụng mạng xã hội, cô cũng bị áp lực đăng cái gì lên cũng phải thật đẹp, thật hoàn hảo, còn phải canh khung giờ sao cho lắm lượt theo dõi, tương tác. 

Nhưng rồi cô giật mình tự hỏi, mạng là ảo thì sao mình lại chạy theo lối mòn đó? Từ từ, cô đăng nhiều hình ảnh đời thường hơn, những hình ảnh chính là mình nhất.

Cũng mang nỗi sợ "trên mạng đẹp quá ra đường không ai nhận ra", nhiều năm qua, Á hậu Thùy Dung nói cô không chỉnh ảnh, chỉ dùng camera thường để chụp và đăng lên, thậm chí không trang điểm để thật nhất với chính mình. 

Nói với 1.000 nữ sinh tuổi 18-20 tham dự diễn đàn, Á hậu Thùy Dung nhắn gửi: "Các bạn đang ở tuổi tươi trẻ, xinh đẹp nhất. Chúng ta hãy cùng sử dụng camera thường nhiều hơn, đừng xài app, đừng để "trầm cảm khi chụp ảnh thẻ".

Á hậu Thùy Dung lý giải, mạng xã hội dễ gây trầm cảm không chỉ vì sự so sánh với người khác mà còn xuất phát từ chính bản thân mỗi người. 

Khi hoa hậu, người đẹp chết sững vì câu hỏi sao trên mạng đẹp thế, mà... - 3

Nữ sinh đặt câu hỏi khi luôn so sánh với những người đẹp trên mạng xã hội (Ảnh: Hoài Nam).

"Người ta cứ lo đi tìm kiếm phiên bản hoàn hảo, cứ cố tạo dựng hình ảnh đẹp nhất, tốt nhất. Nhưng rõ ràng đó không phải là mình, dần dần mình sẽ khó chấp nhận con người thật của mình. Và khi chính bản thân mình không yêu mình thì làm sao người khác có thể yêu mình?", nàng hậu đặt vấn đề

Cô nhắn nhủ tới các bạn gái trẻ thông điệp học cách yêu thương chính con người mình, đặc điểm của mình, yêu mặt mộc của mình. Mỗi bạn gái cần theo đuổi phiên bản tốt nhất của chính mình chứ không phải là một ai khác. 

Theo kết quả khảo sát Saigon Children's Charity và MSD Việt Nam với hơn 7.000 trẻ em, các em tiếp cận với nhiều thiên kiến vô thức với cả hai giới qua những câu nói quen thuộc như phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì; đàn ông là trụ cột trong gia đình; đàn ông phải mạnh mẽ; phụ nữ giỏi nghệ thuật, giáo dục hoặc chăm sóc; đàn ông giỏi khoa học công nghệ... 

Mạng xã hội là nguồn chính mà nữ sinh thường thấy những nhận định liên quan đến khuôn mẫu, chuẩn mực giới với 62%, tiếp đó là các nguồn đến từ cha mẹ (59%), ông bà (32%)...