"Sợ chồng, không dám nghe điện thoại giữa đêm", sếp nữ xin lỗi nhân viên

Hoài Nam

(Dân trí) - Việc đang gấp, Xuân điện thoại lúc gần 22h tối, sếp nữ bấm từ chối nhận cuộc gọi, đề nghị nhắn tin. Hôm sau, chị sếp giải thích vì "sợ chồng, không dám nghe điện thoại".

Trước giờ, cô gái Trần Ngọc Xuân, 26 tuổi, nhân viên tại công ty truyền thông ở quận 3, TPHCM thường nghe đến việc phụ nữ áp lực việc nước việc nhà. Mới đây, sau cuộc trao đổi với chị Phó giám đốc, Xuân cảm nhận được thực tế nỗi khổ của phái nữ trước áp lực "kép". 

Chị sếp của Xuân năng nổ, giỏi giang, đi lên bằng thực lực. Từ phó phòng rồi lên trưởng phòng, đến đầu năm 2023, chị được bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc phụ trách khi chỉ mới 40 tuổi.

Ở cơ quan, chị được nhân viên mệnh danh "người đàn bà hét ra lửa".

Sợ chồng, không dám nghe điện thoại giữa đêm, sếp nữ xin lỗi nhân viên - 1

Nhiều nhà quản lý nữ nặng gánh sự nghiệp lẫn việc nhà (Ảnh minh họa: Pexels).

Cách đây vài ngày, công việc cần xử lý gấp nên Xuân với sếp liên tục trao đổi, gọi điện qua lại cả ngoài giờ làm việc. Ngày cuối cùng, tối muộn vẫn chưa xong, việc đang gấp nên Xuân gọi lại cho sếp lúc gần 22h đêm 

Phía bên kia tắt máy, sau đó là tin nhắn từ sếp: "Em nhắn tin nhé, chị đang cho con ngủ". 

Xuân chùng xuống trước những dòng tin nhắn này. Lâu nay, cô chưa hình dung ra cảnh sếp mình cũng bộn bề việc nhà, con cái... 

Sáng hôm nay, khi đến công ty, chị sếp xin lỗi Xuân kèm lời trần tình: "Buổi tối, sợ ông chồng cằn nhằn, chị không dám nghe điện thoại". 

Nữ quản lý trải lòng, nhiều năm qua chị thường phải đem việc về nhà. Đặc biệt là từ ngày lên chức, đêm hôm hay cuối tuần, chị không ôm máy thì cũng liên tục nghe điện thoại xử lý công việc. 

Thời gian cho gia đình ít ỏi. Chị tận dụng mọi lúc có thể nhưng vẫn không ôm đồm nổi việc kèm con học, chơi cùng con, nấu ăn cho gia đình... Nhiều lúc chị phải đứng ngoài những dịp đặc biệt của con cái, những lần gia đình sum họp. 

Hai con nhỏ ấm ức, tị nạnh "mẹ suốt ngày chỉ việc". Còn người chồng, sau thời gian chịu đựng cũng thể hiện sự bất mãn, khó chịu ra mặt. Cứ thấy vợ gọi điện thoại khi ở nhà trước mặt chồng con là anh cằn nhằn, nổi đóa. 

Thấy chồng con chán ngán, hạnh phúc gia đình lung lay, chị quay sang tự trách bản thân. 

Giờ đây, Xuân mới hiểu phần nào lý do một số cán bộ nữ ở công ty mình từ chối lên chức khi được đề bạt. Phía sau những nhà quản lý nữ còn bộn bề đủ việc, sinh con đẻ cái, chăm chồng gia đình, con cái học hành, ốm đau... Gia đình nhỏ rồi lại còn gia đình lớn. 

Kêu gọi bình đẳng giới có thể lệch lạc!

Chị Đỗ Thùy Linh, 38 tuổi - nhân viên tại công ty về lĩnh vực xuất nhập khẩu ở TPHCM - cho biết, cách đây hai năm, chị được đề bạt lên chức trưởng phòng. 

Sau khi cân nhắc, chị từ chối cơ hội thăng tiến, tiếp tục công việc của một nhân viên để lo việc con cái, nhà cửa.

Sợ chồng, không dám nghe điện thoại giữa đêm, sếp nữ xin lỗi nhân viên - 2

Nhiều chị em chịu áp lực, cản trở từ chồng khi sự nghiệp thăng tiến (Ảnh minh họa: Pixabay).

Chị Linh thẳng thắn cho hay, đó là điều mà chồng chị hay nhiều người đàn ông khác hiếm khi phải băn khoăn. Họ, với mặc định là "trụ cột", được tập trung lo cho sự nghiệp, việc chăm sóc nhà cửa, con cái theo lẽ thường là của người phụ nữ, dù thực tế người phụ nữ cũng phải đi làm, kiếm tiền, cùng lo kinh tế gia đình.

Chưa kể, sau khi sinh hai con gái, chị còn bị gia đình gây áp lực sinh thêm đứa nữa để kiếm con trai.

"Từ chối cơ hội phát triển sự nghiệp, tôi cũng tiếc lắm nhưng buộc phải so sánh, đánh đổi. Công việc không phát triển nên thu nhập thấp, kinh tế gia đình khó khăn thì cũng chính mình phải đứng ra xoay xở", chị Linh nói về vòng tròn bế tắc của bản thân. 

Nghiên cứu của CARE (tổ chức nhân đạo về chống đói nghèo toàn cầu và cứu trợ khẩn cấp) năm 2022 chỉ ra rằng, khi các doanh nhân nữ bắt đầu thành công, họ có thể phải đối mặt với sự cản trở của các thành viên nam trong gia đình và thậm chí phải đối mặt với bạo lực hoặc quấy rối tình dục.

Tại Việt Nam, 80% nam giới và 60% phụ nữ tham gia khảo sát đồng ý rằng nữ doanh nhân nên là người chăm sóc con cái, bất chấp áp lực điều hành doanh nghiệp.

Nghiên cứu thể hiện rằng, các khuôn mẫu giới hiện hữu ở khắp mọi nơi. Kỳ vọng rằng một người phụ nữ phải đảm đương vai trò chính trong việc chăm sóc con cái là một định kiến ăn sâu và không bị dư luận thách thức.

Trên toàn cầu, khả năng kiêm nhiệm nhiều việc của phụ nữ được cả nam giới và phụ nữ tôn vinh. Phụ nữ điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, chăm sóc con cái, gia đình và làm mọi việc khác được coi là một biểu tượng "đảm đang" để phấn đấu và noi theo.

Từ đó, nghiên cứu này đặt ra nghi ngại, khẩu hiệu "giỏi việc nước, đảm việc nhà" liệu có đang trở thành gánh nặng với phụ nữ làm kinh doanh và đặt ra vấn đề xã hội cần xem lại cách tôn vinh sự "đảm đang" của phụ nữ. 

Năm nay, Nobel Kinh tế vinh danh nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Goldin với đóng góp nâng cao hiểu biết về vai trò nữ giới trong thị trường lao động. 

Các công trình nghiên cứu của bà tìm ra những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về mặt giới tính trên thị trường lao động cùng báo cáo toàn diện về thu nhập của phụ nữ và sự tham gia của nữ giới vào thị trường lao động trong nhiều thế kỷ.

Sợ chồng, không dám nghe điện thoại giữa đêm, sếp nữ xin lỗi nhân viên - 3

Nhiều phụ nữ có thể tiếp tục là nạn nhân của bất bình đẳng trong phong trào kêu gọi bình đẳng (Ảnh minh họa: Pixabay).

Giờ đây, xã hội thường nghe thông điệp thúc đẩy sự hiện diện của phụ nữ ở các vị trí chuyên môn và chức vụ cao. Điều này được cho là hướng đến mục tiêu bình đẳng giới trong công việc. 

Vậy nhưng, ThS Nguyễn Ngọc Nhung, một nhà xã hội học ở TPHCM, bày tỏ  băn khoăn và cả áy náy trước những khẩu hiệu thúc đẩy hay những lời kêu gọi phụ nữ dấn thân cho sự nghiệp. Theo bà Nhung, thực tế, phía sau hầu hết phụ nữ còn là chuyện áp lực sinh đẻ, chồng con, việc nhà, giữ gìn hạnh phúc gia đình...

"Khi những gánh nặng đó chưa được chia sẻ, hỗ trợ thì việc kêu gọi phụ nữ vươn lên, đảm trách nhiều vị trí công việc cao hơn, các phong trào "giỏi việc nước, đảm việc nhà"  chẳng  khác nào "chất thêm gánh nặng lên vai phụ nữ", bà Nguyễn Ngọc Nhung bày tỏ.

Bà Nhung cảnh báo, cần cẩn trọng, cân nhắc những hành động hướng đến bình đẳng giới nhưng có khi lại xoáy sâu thêm tình trạng bất bình đẳng mà ở đó, phụ nữ tiếp tục là nạn nhân khi phải nai lưng gánh thêm trọng trách.