Khi hàng thủ công của người mù sang Pháp
(Dân trí) - Nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia đã thúc đẩy phong trào học tập, làm ăn kinh tế của người khiếm thị ngày càng mạnh mẽ trong những năm qua, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Hơn 91 tỷ đồng "tiếp sức"
Sáng 3/12, Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Tư tưởng "Tàn nhưng không phế" của Bác Hồ với người khiếm thị nhân dịp kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy của Người. Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới giới trí thức và những người nghèo khó, khuyết tật.
"Câu nói nổi tiếng "tàn nhưng không phế" là lời căn dặn của Bác khi đến thăm và chúc Tết trường Thương binh hỏng mắt vào đêm giao thừa Tết Bính Thân (11/2/1956) đã trở thành phương châm sống không chỉ của người khiếm thị mà còn cả tất cả người khuyết tật cả nước", GS.Hoàng Chí Bảo phát biểu tại hội thảo.
Kể từ khi ra đời vào tháng 4/1969, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã trở thành mái nhà chung của người mù cả nước. Ngày đầu thành lập với chỉ gần 100 hội viên, cơ sở vật chất và kinh phí hầu như không có, trước muôn vàn trở ngại, tổ chức này đã từng bước vươn lên, cùng các ban ngành và cộng đồng xích lại gần hơn, để chung tay chăm lo, giúp đỡ người mù. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Hội Người mù Việt Nam lấy công tác đào tạo nghề cho hội viên làm nhiệm vụ trọng tâm.
Là đơn vị tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã tổ chức 70 khóa đào tạo nghề cho 1158 học viên là người mù, người khuyết tật trên địa bàn và tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, đã tổ chức 16 khóa tập huấn nâng cao tay nghề cho 317 học viên đã qua đào tạo.
Bên cạnh đó, nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm giúp hội viên Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình một cách hiệu quả. Hội đã triển khai 580 dự án cho vay với 6.800 lượt hộ vay, tổng số vốn cho vay trên 38 tỉ đồng từ kênh Trung ương Hội và kênh địa phương tỉnh. Từ khi triển khai chương trình cho vay vốn cho đến nay chưa có trường hợp nào nợ quá hạn.
Theo ông Lê Văn Lộc - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay tỉnh Hội đã thành lập 1 công ty, 5 hợp tác xã và 3 cơ sở sản xuất trực thuộc, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 290 lao động là người mù, người khuyết tật. Bên cạnh đó, một số hội viên sau khi được "Hội đào tạo, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, đã đứng ra khởi nghiệp thành công như hội viên Mai Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Tiến Đạt… qua đó đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bản thân, những người đồng tật, khẳng định sự đóng góp cho xã hội", ông Lộc cho biết.
Ngoài việc tạo việc làm cho người mù với những ngành nghề như xoa bóp, sản xuất tăm tre, chổi đót, hương trầm... Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký hợp đồng với công ty ươm giống cây trồng lâm nghiệp bên Pháp để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Hội đã xuất khẩu gần 860.000 sản phẩm mành tre đan sang Pháp với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng.
Tạo cơ hội việc làm cho người mù
Là một đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo, Phục hồi chức năng qua hơn 20 năm hoạt động đã không ngừng mở rộng nội dung và các loại hình đào tạo. Cho đến nay, trung tâm đã tổ chức được 85 khóa học cho hơn 6000 lượt học viên với 23 loại hình lớp như: đào tạo nghiệp vụ công tác Hội, giáo viên dạy chữ Braille, phục hồi chức năng, xoa bóp bấm huyệt, tin học, văn nghệ, thể dục, thể thao, công tác xã hội…
Đặc biệt, từ năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, trường Cao đẳng Y dược Thăng Long, tổ chức đào tạo lớp Y sĩ Y học cổ truyền đầu tiên dành cho người mù.
Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam cho biết, trải qua hơn 8 nhiệm kỳ, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 57 tỉnh, thành Hội, 418 quận, huyện Hội, 3.624 Hội xã, phường và Chi Hội với 73.318 hội viên.
Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Trung ương Hội cùng hàng chục trung tâm của các tỉnh, thành Hội cũng lần lượt ra đời, đóng góp quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khẳng định sự trưởng thành của Hội.
Hội vừa là cánh tay vươn dài, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với hội viên, vừa làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng, là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam.
Trong lĩnh vực dạy nghề, đến nay, Hội đang quản lý gần 400 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với gần 7000 lao động từ các ngành nghề thủ công, mĩ nghệ, xoa bóp bấm huyệt, cung ứng hàng hóa... "Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động từng bước tăng lên. Có đơn vị đã có hàng xuất khẩu. Mặc dù hiện nay đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cấp Hội vẫn cố gắng duy trì hoạt động các cơ sở ở những địa bàn, thời điểm cho phép; huy động nguồn lực để hỗ trợ người lao động, điều chỉnh, đổi mới quy trình sản xuất, tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm mới cho người mù…", theo bà Việt Anh.
Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992, đến nay, Hội đang quản lý số vốn vay 51,6 tỉ đồng kênh Trung ương và 40 tỉ đồng kênh địa phương. Hàng vạn Hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao.
Bà Việt Anh cho biết thêm, hàng ngàn ngôi nhà tình thương, đại đoàn kết, giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, những món quà khi Tết đến, xuân về, khi chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh hay ốm đau, hoạn nạn đã giúp cho những người mù khó khăn được sống ấm áp trong vòng tay yêu thương của Hội và cả cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em mù luôn được quan tâm, chăm sóc. Nhờ được sinh hoạt dưới mái nhà chung của Hội, đông đảo người mù đã được học chữ, học nghề, có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.