Kết quả xét nghiệm ADN ảnh hưởng thế nào đến trẻ em tại Tịnh Thất Bồng Lai?
(Dân trí) - Dù kết quả giám định ADN những người ở Tịnh Thất Bồng Lai thế nào, những đứa trẻ sinh sống tại đây cũng hoàn toàn vô tội. Việc bảo vệ, chăm sóc, đảm bảo để các em được đối xử bình đẳng được đặt ra.
Ngày 3/11, sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Long An bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án 5 năm tù đối với ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Các bị cáo còn lại cũng bị giữ nguyên mức án 3-4 năm cùng về cùng tội danh.
Tòa phúc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên phạt ông Lê Tùng Vân và đồng phạm là có căn cứ, đúng pháp luật.
Trước đó, từ đầu năm, cơ quan tố tụng tỉnh Long An khởi tố vụ án để điều tra về 3 tội danh "Loạn luân", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" tại cơ sở này. Thời điểm đó, Công an tỉnh Long An cho biết, ông Lê Tùng Vân có dấu hiệu phạm cả 3 tội này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bị cáo mới bị đưa ra xét xử, nhận phán quyết về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Một diễn biến khác liên quan, cơ quan chức năng đã giám định ADN 28 người liên quan và thông báo đến các bị cáo kết quả cụ thể. Việc trưng cầu giám định ADN được đưa ra để làm rõ cuộc sống và mối quan hệ rất phức tạp của ông Lê Tùng Vân với một số người trong Tịnh thất.
Cơ sở này có 18 người cư trú, trong đó có 6 trẻ em, được công bố là trẻ mồ côi nhưng thực chất đều sinh sống cùng mẹ ruột (không có thông tin về người cha) tại đây. Nghi vấn đặt ra khi đó là đa số các em đều là con cháu có quan hệ huyết thống với ông Vân.
Hai trường hợp xảy ra với kết quả giám định ADN
Nhận định về sự việc, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu kết quả giám định ADN cho thấy những người sống trong Tịnh Thất Bồng Lai có mối quan hệ huyết thống với nhau thì việc khởi tố thêm hai tội danh là tội "Loạn luân" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ.
Những gì diễn ra ở Tịnh Thất Bồng Lai trong thời gian qua cho thấy dư luận xã hội rất bức xúc đối với những hoạt động của cơ sở thờ tự tự phát này về việc nuôi trẻ em (được cho là trẻ mồ côi) để kêu gọi vận động, nhận tiền từ thiện của các nhà hảo tâm và thực hiện nhiều hoạt động tôn giáo không đúng giáo lý, giáo luật, gây mất an ninh trật tự.
Theo luật sư Cường, trước đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã lên tiếng tố cáo hành vi loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, do chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ chưa đủ vững chắc nên cơ quan an ninh điều tra, công an tỉnh Long An chưa khởi tố vụ án hình sự.
Đến nay đã có kết quả giám định ADN nhưng người ở Tịnh Thất Bồng Lai này không chấp hành việc nhận thông báo. Dù vậy, việc không nhận thông báo kết quả giám định ADN sẽ không làm cho vụ việc dừng lại mà chỉ là căn cứ đánh giá về thái độ của "người trong cuộc" với vụ án này.
"Đối với vụ án này, kết quả giám định ADN là chứng cứ khoa học rất quan trọng để chứng minh có hay không mối quan hệ huyết thống của những người có liên quan. Kết quả giám định ADN là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội "Loạn luân".
Nếu kết quả giám định ADN cho thấy những đứa trẻ ở Tịnh thất không có quan hệ huyết thống với những người sinh sống ở đây thì không có hành vi loạn luân. Cũng từ đó, hướng đánh giá về hành vi trục lợi từ thiện từ việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi cũng sẽ khác.
Trường hợp kết quả giám định ADN cho thấy trẻ là con của những người sinh sống tại đây và là hệ quả của hành vi quan hệ tình dục giữa những người có quan hệ huyết thống trực hệ thì có căn cứ để xử lý hình sự người liên quan về tội "Loạn luân" hoặc các tội danh khác về xâm hại tình dục theo quy định của Bộ luật hình sự", luật sư Cường nhận định.
Bảo vệ trẻ em liên quan trong vụ việc
Theo vị luật sư này, sở dĩ Cơ quan điều tra chưa công bố cụ thể kết quả giám định ADN đối với từng người là để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân của công dân, đặc biệt là những đứa trẻ sống ở Tịnh Thất Bồng Lai.
"Nếu công khai quá chi tiết, có thể làm tiết lộ thông tin về danh tính trẻ, nguy cơ ảnh hưởng đến tương lai, cuộc sống của các em. Vì vậy, việc giữ bí mật thông tin đời tư cá nhân, trong đó có bí mật về kết quả giám định ADN là cần thiết, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế", luật sư Cường nhấn mạnh.
Ông Cường nhận định, trong quá trình giải quyết vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng trong việc cung cấp, công khai các thông tin trước công luận liên quan đến mối quan hệ huyết thống của những người liên quan.
"Vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều trẻ em, trong đó có những bé rất tài năng, đã từng xuất hiện trên những chương trình truyền hình được công chúng biết tới. Trong vụ việc, các em được xác định là nạn nhân mà các đối tượng tại Tịnh Thất Bồng Lai lợi dụng.
Bởi vậy ngoài việc xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm thì cơ quan chức năng cũng sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật, cơ chế chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đảm bảo ổn định đời sống, đảm bảo việc nuôi dưỡng, hỗ trợ để các em phát triển", ông Cường nói.
Vị luật sư nhấn mạnh, những đứa trẻ liên quan đến vụ án này, dù kết quả giám định ADN thế nào đi nữa, cũng hoàn toàn vô tội. Các em cần được đối xử bình đẳng, tránh việc bị kỳ thị. Ngoài ra, cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể để các em có cơ hội học tập, lao động, phát triển bản thân.
Trường hợp những người được xác định là cha mẹ của các em không đủ điều kiện nuôi dưỡng do hoàn cảnh kinh tế, do vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật thì các em vẫn được nhà nước đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho các em để có thể phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và điều kiện học tập.