Hơn một nửa người dân bỏ làng, để lại nhà hoang nơi "miền đất hứa"
(Dân trí) - Sau nhiều năm bám trụ, cuộc sống ở làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) sông Chàng không như kỳ vọng, nhiều thanh niên nhiệt huyết một thời phải rời "miền đất hứa" ra đi.
Loay hoay tìm kế sinh nhai ở "miền đất hứa"
25 tuổi, anh Trịnh Khắc Bắc quyết định đăng ký tham gia dự án làng TNLN sông Chàng (nay là thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa). Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Bắc hy vọng sẽ "biến" vùng đất cằn cỗi thành những mô hình phát triển kinh tế.
Những năm đầu, chàng kỹ sư điện bắt tay vào xây dựng nhà cửa, trồng mía. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, giá mía giảm mạnh, anh Bắc không có thu nhập.
Không bỏ cuộc, anh Bắc chuyển sang trồng cao su. Sau thời gian chờ đợi, cao su lại cho lượng mủ ít, khiến anh thất vọng. Một lần nữa chàng thanh niên trẻ đành chặt bỏ đồi cao su.
Gặp khó ở "miền đất hứa", anh Bắc chán nản, muốn quay về quê. Song ở quê, vợ chồng anh không có "thước đất cắm dùi" nên anh đành ở lại đây. Hiện, với 3,2ha đất được giao, anh Bắc dành một nửa trồng cây ăn quả, một nửa trồng keo.
"Sau 15 năm bám trụ, cuộc sống của gia đình tôi ở vùng đất mới không như mong muốn. Nếu không có lương giáo viên của vợ, chắc chắn tôi đã rời sông Chàng từ lâu", anh Bắc tâm sự.
Giống như anh Bắc, gia đình ông Trịnh Ngọc Oanh cũng gặp nhiều gian truân ở vùng đất mới. Ông Oanh kể, ông vốn là công nhân lâm trường sông Chàng, khi tham gia dự án làng TNLN, ông thuộc diện tái định cư tại chỗ.
"Thời tiết khắc nghiệt nên trồng trọt, chăn nuôi không hiệu quả. Gần 60 tuổi, tôi vẫn loay hoay trong việc kiếm kế sinh nhai để nuôi gia đình 3 nhân khẩu. Thực sự rất khó khăn, nhưng không còn nơi nào để đi nên tôi đành cố bám trụ lại nơi này", ông Oanh nói.
Ông Oanh cho biết, khi tham gia dự án Làng TNLN sông Chàng, ông được giao đất nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Bức thiết lớn nhất của bà con là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân được công nhận quyền sử dụng trên chính thửa đất được giao, đồng thời có thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất", ông Oanh nêu quan điểm.
Dân rời "miền đất hứa", làng còn lại nhiều căn nhà hoang
Ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Thanh Niên, cho biết dự án làng TNLN thu hút 141 hộ tham gia. Tuy nhiên, đến thời điểm này cả thôn Thanh Niên chỉ có 90 hộ đăng ký hộ khẩu với công an xã. Số gia đình có mặt thường xuyên ở thôn là 58 hộ.
"Hơn một nửa người dân trong thôn đã rời làng. Thôn có khoảng 60 ngôi nhà đang bỏ hoang. Những ngôi nhà không người ở đều là của các hộ dân nằm trong dự án làng TNLN sông Chàng", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc người dân bỏ làng, chấp nhận đóng cửa, từ bỏ ngôi nhà, vùng đất từng gửi gắm ước mơ, hoài bão đi nơi khác kiếm sống do nhiều nguyên nhân.
"Người dân định cư rất lâu mà chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo tâm lý thiếu ổn định. Bên cạnh đó, việc trồng cây, chăn nuôi, phát triển kinh tế đều không mang lại hiệu quả do thời tiết khắc nghiệt và thiếu vốn sản xuất", ông Tuấn phân tích.
Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thành lập thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa trên cơ sở cụm dân cư làng TNLN sông Chàng, với diện tích 600ha, gồm 124 hộ, 320 nhân khẩu.
Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định thành lập thôn Thanh Niên, UBND xã Xuân Hòa quản lý về con người, còn về đất đai vẫn thuộc thẩm quyền của Tỉnh đoàn Thanh Hóa. Khó khăn lớn nhất của các hộ dân tại thôn Thanh Niên là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Hơn 3ha đất để giữ chân người dân ở lại đây là rất khó bởi đất đai ở đây khô cằn, khó sản xuất; khí hậu thì khắc nghiệt. Trồng keo phải từ 5 đến 7 năm mới cho thu hoạch. Trong lúc chờ keo lớn, người dân phải đi làm ăn, kiếm kế sinh nhai", ông Tuyên thẳng thắn.
Ông Lê Ngọc Tân, Phó Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa, cho biết các gia đình đang rất "khát" vốn để đầu tư sản xuất và chăn nuôi. Nếu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân sẽ có cơ hội vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
"Đơn vị đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc dự án", ông Tân nói.
Dự án làng TNLN sông Chàng được Tỉnh đoàn Thanh Hóa triển khai năm 2008, trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân với diện tích 600ha, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là thu hút 141 hộ (34 hộ là công nhân lâm trường sông Chàng thuộc diện tái định cư tại chỗ và tuyển mới 107 đoàn viên, thanh niên) đến đây sinh sống, phát triển kinh tế.
Mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên), các gia đình tái định cư vào định cư ở làng TNLN sông Chàng sẽ được cấp 400m2 đất ở, hơn 3ha đất canh tác cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.