1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận..."

Đăng Đức

(Dân trí) - "Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với chú tôi được chính quyền tổ chức trọng thể trong sự vui mừng của dòng tộc. Đó cũng là thời khắc vui sướng, hạnh phúc nhất, sau hàng chục năm chờ đợi…"

Đó là những lời tâm sự của ông Tô Quang Nhơn (SN 1924, ở khu phố Lao động, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), khi nhớ lại thời khắc thiêng liêng khi gia đình nhận tấm "Bằng Tổ quốc ghi công" cho người chú đã hy sinh nhiều năm trước đó.

Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận... - 1

Lễ suy tôn và cấp "Bằng Tổ quốc ghi công" với liệt sĩ Tô Vận - chú của ông Nhơn. Ảnh chụp lại

Sống gần hết đời người, ông Nhơn cảm thấy mãn nguyện khi những cống hiến của người chú - liệt sĩ Tô Vận - đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. 

Theo bản trích ngang thông tin, liệt sĩ Tô Vận (SN 1921, quê ở xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Trước khi hy sinh, ông là tiểu đội trưởng du kích thuộc xã đội Vĩnh Nam. Ông tham gia cách mạng năm 1944, hy sinh tháng 12/1947.

Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận... - 2

Niềm mong mỏi sau hàng chục năm của ông Nhơn đã hoàn thành

Ông Nhơn kể: "Khi lớn lên, chú tôi tham gia kháng chiến nên đến ngày hy sinh vẫn chưa lập gia đình. Từ đó đến nay, gia đình ông đảm nhận việc thờ cúng. Bao nhiêu năm trời, gia đình vẫn đau đáu khi chưa làm tròn trách nhiệm với chú. Đến năm 2019, chính quyền địa phương mới tổ chức lễ suy tôn liệt sĩ và cấp "Bằng Tổ quốc ghi công" cho liệt sĩ Tô Vận".

Theo ông Tô Hà (con trai ông Nhơn), do tuổi cao nên người cha không thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho chú. Trách nhiệm ấy được gia đình, dòng họ giao lại cho ông. Dù khó khăn nhưng ông quyết tâm hoàn thành.

Bởi đó là niềm vinh dự của gia đình, cũng là cống hiến của chú vì quê hương, đất nước. Nhờ chính quyền quan tâm, hỗ trợ, hồ sơ đã hoàn tất để trình lên Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp "Bằng Tổ quốc ghi công".

Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận... - 3

Ông Nhơn nói, gia đình thấy vui sướng và vinh hạnh vì những cống hiến của chú đã được ghi nhận xứng đáng.

Ông Nhơn xúc động: "Gia đình tui đảm nhận việc thờ phụng đã lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm với chú. Ngày chính quyền tổ chức lễ suy tôn liệt sĩ tại gia đình, tui phấn khởi lắm, anh em trong dòng họ ai cũng vui mừng. Đến bây giờ, những cống hiến của chú đã được mọi người biết đến. Bản thân tui cũng thấy mãn nguyện, đó là niềm vinh dự lớn của gia đình".

Gia đình ông Nhơn có nhiều thế hệ tham gia cách mạng. Ngoài người cha và chú, ông Nhơn cũng được tặng nhiều huân chương, huy chương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông Hà (con trai ông Nhơn) cũng tham gia cuộc chiến vùng biên giới phía Bắc năm 1984, hiện là thương binh.

Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận... - 4

Gia đình ông Nhơn có nhiều thế hệ tham gia kháng chiến. Con trai ông Nhơn - ông Hà cũng là thương binh.

Câu chuyện xúc động về những tấm Bằng Tổ quốc ghi công cũng diễn ra ở gia đình ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1914, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh).

Lúc còn sống, ông Nguyễn Văn Lượng luôn mong mỏi được chứng kiến ngày  người em đã hy sinh được công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, đến khi trút hơi thở cuối cùng, ông Lượng vẫn chưa thỏa ước nguyện.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1960, con trai ông Lượng, ở thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn) kể: "Tôi có 2 người chú là Nguyễn Giao và Nguyễn Thẻ đều tham gia phục vụ kháng chiến. Ông Nguyễn Giao (SN 1921) là chiến sĩ du kích xã Vĩnh Sơn, hy sinh năm 1954. Người chú còn lại tham gia dạy bình dân học vụ sau đó cũng mất".

Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận... - 5

Bằng Tổ quốc ghi công ghi nhận cống hiến của liệt sĩ Nguyễn Giao

Tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình. Lúc hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Giao vẫn chưa có gia đình riêng nên cha ông Hiếu đảm nhận việc thờ phụng.

"Từ lâu, mộ của chú tôi yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, nhưng mới đây mới được cấp Bằng Tổ quốc ghi công", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, việc hoàn thành hồ sơ chính sách cho chú là ước nguyện bao năm của gia đình.

Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận... - 6

Ông Hiếu đã hoàn thành ước nguyện của cha lúc còn sống khi hoàn thành hồ sơ chính sách cho chú.

"Khi chú được suy tôn liệt sĩ, gia đình chúng tôi thấy rất vui mừng, phấn khởi. Đặc biệt, gia đình tui thấy toại nguyện khi những cống hiến của chú mình được cấp trên ghi nhận xứng đáng và cũng hoàn thành tâm nguyện của cha tôi lúc còn sống", ông Hiếu xúc động.

Hơn 70 năm sau ngày hy sinh, cống hiến của chú tôi đã được ghi nhận... - 7

Thân mang trọng bệnh phải ngồi xe lăn nhiều năm nay, lại thêm căn bệnh ung thư di căn nên chưa biết sống được bao lâu. Ông Hiếu vui mừng vì đã làm tròn trách nhiệm với chú.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Hiếu thấu hiểu được những mất mát hy sinh của thế hệ đi trước để luôn cố gắng, giáo dục con cháu. Ông luôn xem truyền thống gia đình là niềm vinh dự lớn, tự hào của gia đình, là tấm gương sáng để noi theo.  

Ông Nguyễn Ái Tân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - cho biết, những trường hợp liệt sĩ nói trên đã có mộ chí ở nghĩa trang liệt sĩ, trong bia ghi danh của xã, nhưng chưa có hồ sơ pháp lý về liệt sĩ. Việc cấp "Bằng Tổ quốc ghi công" nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách liên quan đến liệt sĩ.

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, quan tâm chu đáo các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có khoảng 110.000 người có công với cách mạng, trong đó khoảng 19.000 liệt sĩ, 2.786 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang được quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng.