Hơn 55% trẻ em bị tai nạn, thương tích tại nhà hoặc xung quanh nhà
(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổ chức Global Health Advocacy Incubator (GHAI), tỷ lệ tai nạn và thương tích của trẻ em Việt Nam hiện thấp hơn các nước có thu nhập trung bình, tương đồng với khu vực Đông Nam Á.
Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ gặp tai nạn, thương tích tại nhà, quanh nhà đạt tỷ lệ cao nhất, chiếm 55% trường hợp, trẻ bị tai nạn thương tích tại nơi công cộng đứng thứ 2, chiếm tổng số 27% trường hợp, tại trường học tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích chiếm 8%, còn ở những nơi khác thường chiếm khoảng 10%.
Theo GHAI, tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn tuổi từ 0-15 tuổi là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Số ca tai nạn thương tích cũng cao dần theo độ tuổi.
Thống kê tai nạn thương tích toàn cầu, tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất, với trên 146.000 trẻ, trong đó gần 96.600 trẻ bị tai nạn giao thông khi đang ở độ tuổi 5-14 tuổi.
Đứng vị trí thứ 2 về tỷ lệ tai nạn thương tật trẻ em là tình trạng đuối nước với gần 83.000 ca, đứng thứ 3 là bỏng và ngã đều trên 31.000 ca.
Theo GHAI, chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 tại Việt Nam được xây dựng nhằm mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Trong giai đoạn trên, Việt Nam đã hoàn thành và vượt 15/17 mục tiêu đề ra; tỷ lệ tai nạn thương tích của trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2010 đến 2019 giảm nhanh, năm đầu giai đoạn là trên 1.250 trẻ nhưng đến cuối giai đoạn chỉ còn hơn 665 trường hợp.
Theo kết quả của dự án phòng chống đuối nước do Bloomberg và GHAI tài trợ: Hơn 8.900 trẻ được dạy bơi an toàn, hơn 90,9% đạt tiêu chuẩn biết bơi an toàn; hơn 17.425 trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vượt 13% so với kế hoạch; hơn 4.778 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và hơn 765 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ em toàn để phòng tránh đuối nước...
So sánh với các nước khác, tỷ lệ tai nạn thương tích trẻ em của Việt Nam thấp hơn các nước có thu nhập trung bình, tương đồng với khu vực Đông Nam Á.
Về công tác tuyên truyền chính sách giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện 100% các tỉnh (UBND tỉnh, kế hoạch của Sở LĐTBXH, Sở Y tế..) đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn liên quan đến thực hiện Quyết định 234/2016/QĐ-TTg Chính phủ về Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, 100% các tỉnh/quận/huyện có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng, cùng với đó là nhiều văn bản được ban hành từ tuyến trung ương, tỉnh, huyện liên quan đến phòng chống tai nạn thương tích của trẻ em.
Ngoài ra, các cấp hội, cơ sở đã tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho phụ huynh cùng trẻ nhỏ trong độ tuổi.
Cũng theo GHAI, từ 2016-2020, công tác tập huấn năng cao kiến thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đã được triển khai tại các cấp, các ngành, đoàn thể, các hội cho cán bộ cấp, tỉnh, huyện xã và đội ngũ cộng tác viên, trong đó: Xây dựng bộ tài liệu tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cấp tỉnh, huyện và cộng tác viên, tổ chức được gần 1.500 lớp tập huấn cho gần 65.000 lượt cán bộ, cộng tác viên về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em được đã được các Bộ, ngành quan tâm hơn, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.
Về nguồn lực, tính trong 5 năm giai đoạn 2016-2020, nguồn lực huy động cho các chương trình liên quan đến phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em của Việt Nam ước tính khoảng 450 tỷ đồng, trong đó có ngân sách trung ương, địa phương và huy động cộng đồng, quốc tế.
Trong đó ngân sách trung ương 75 tỷ (16%), ngân sách địa phương 120 tỷ (27%), nguồn vận động của các tổ chức, đóng góp bằng tiền cơ sở vật chất,… của cá nhân và cộng đồng ước tính khoảng 250 tỷ (56%).