KIên Giang:
Hơn 50.000 lao động hồi hương được hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/người
(Dân trí) - Nhằm giảm bớt khó khăn cho hàng chục nghìn lao động hồi hương, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành chính sách hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho mỗi lao động về quê từ ngày 1/10 đến ngày 20/10.
Sáng 24/11, trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Hồng Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang - cho biết, từ ngày 1/10 đến nay, Kiên Giang đón hơn 60.000 lao đồng hồi hương, trong số đó có khoảng 50.000 lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, để giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống khi trở về quê hương. Tổng số tiền hỗ trợ tương đương khoảng 75 tỷ đồng.
Được biết, mỗi người dân trở về quê được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Điều kiện được nhận phải là công dân từ 18 tuổi trở lên; có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dịch Covid-19 và gặp khó khăn phải trở về địa phương từ ngày 1/10 đến hết ngày 20/10…
Trường hợp là vợ hoặc chồng cùng về nhưng chưa đăng ký thường trú tại tỉnh Kiên Giang phải có giấy đăng ký kết hôn với cá nhân thường trú trên địa bàn tỉnh; đã khai báo y tế theo quy định từ ngày 1/10 đến ngày 20/10 khi về đến tỉnh Kiên Giang.
Trường hợp đối tượng đã được hưởng hỗ trợ chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định tại khoản 12 mục II Nghị quyết số 68 của Chính phủ thì không được hỗ trợ theo quyết định này và ngược lại.
Riêng tại huyện Vĩnh Thuận, đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thuận cho biết đã có hơn 3.200 người lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… trở về địa phương từ ngày 1/10. Tuy nhiên theo quy định, chỉ có 2.353 người được nhận hỗ trợ, đến nay huyện mới chi 1.780 người, số lao động còn lại đang chờ kinh phí bổ sung để chi tiếp.
Ở phạm vi cấp tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thực hiện sàn giao dịch trực tuyến, kết nối với các doanh nghiệp để giới thiệu người lao động hồi hương nắm bắt được các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến tham gia ứng tuyển.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, công tác duy trì sàn giao dịch việc làm, kết nối lao động với các doanh nghiệp được duy trì thường xuyên trong thời gian tới.
Song song đó, công tác đào tạo nghề, nhất là lao động nông thôn, những lao động chưa có nghề vừa trở về từ các tỉnh có dịch, được ngành lao động tư vấn đào tạo nghề phù hợp, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động này, giúp họ sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.