Hơn 28 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Khoảng 28,07 triệu lượt đối tượng gồm đơn vị sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng khác đã được hỗ trợ. Riêng TPHCM, 11,2 triệu lượt đối tượng được hỗ trợ với số tiền 12,03 nghìn tỷ đồng.
Đây là thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về công tác triển khai việc thực hiện các nhóm chính sách của Nghị quyết 68 và Quyết định 23 (gói 26.000 tỷ đồng), tính tới hết ngày 19/11.
Theo đó, toàn quốc đã có 28,07 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ với tổng số tiền là 28 nghìn tỷ đồng, gồm hơn 377.000 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 27,3 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Long An…
Với nhóm các chính sách về bảo hiểm xã hội, tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 5,39 nghìn tỷ đồng dành cho hơn 375.800 đơn vị sử dụng lao động và hơn 11.390.900 người lao động.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với 11.238.000 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền khoảng 4.300 tỷ đồng.
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 57/63 tỉnh, thành phố với tổng số 805 đơn vị sử dụng lao động và 152.070 người lao động, tổng kinh phí hơn 1.065 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho hơn 3.700 lao động tại 34 đơn vị để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề. Tại 5 tỉnh, thành phố, 7 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 2,4 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 915 người lao động.
Về nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền hơn 21,8 nghìn tỷ đồng với 16 triệu đối tượng.
Trong đó, 850.680 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 60/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với tổng số tiền 2.839 tỷ đồng.
Chính sách cũng đã hỗ trợ tiền ăn tới hơn 80.000 đối tượng F0, F1 với tổng kinh phí 431,8 tỷ đồng và 26.270 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em. Ngoài ra, 11.340 người lao động mang thai và 201.360 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động cũng đã nhận được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người.
Đồng thời, trên 13,64 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù tại 58/63 tỉnh, thành phố đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 17,5 nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết…
Với nhóm chính sách cho vay vốn. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã phê duyệt hồ sơ cho 1.618 lượt người sử dụng lao động vay vốn 856,1 tỷ đồng để trả lương cho 238.245 lượt người lao động. Đã giải ngân 800 tỷ đồng hỗ trợ 1.528 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 222.963 lượt người lao động.
Một số địa phương có tổng kinh phí giải ngân cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, Cần Thơ và Hà Nội.
Gần 12 triệu người lao động nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng
Về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 116 (gói 38.000 tỷ đồng), báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
BHXH các tỉnh, thành giải quyết hưởng hỗ trợ cho 11.953.522 lao động (gồm 11.141.723 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 811.790 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 28.405 tỷ đồng...