1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Trị:

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng

Đăng Đức

(Dân trí) - Qua 9 năm triển khai dự án "Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được phục hồi chức năng (PHCN)" tại Quảng Trị đã giúp hàng ngàn trẻ khuyết tật tiếp cận điều trị PHCN.

Ngày 11/12, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Medipeace tổ chức hội nghị tổng kết Dự án "Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được phục hồi chức năng (PHCN) và cải thiện chất lượng cuộc sống" trong 9 năm (2012-2020).

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 1

Trẻ khuyết tật được điều trị tại các cơ sở phục hồi chức năng

Hoạt động được triển khai tại các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).

"Con tôi đã hòa nhập tốt hơn"

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Thủy (trú ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khi nói về con trai mình là cháu Nguyễn Văn Minh Chí, bị khuyết tật tứ chi.

Từ khi sinh ra, cháu Nguyễn Văn Minh Chí bị yếu và khòeo cả 2 tay 2 chân. Minh Chí đã dũng cảm trải qua nhiều đợt phẫu thuật tay, chân và kiên trì tập luyện nhưng đôi tay chỉ cử động được rất ít, đôi chân thì đỡ khòeo. 

Sự thay đổi lớn của Minh Chí đến với em lúc 4 tuổi. Hàng ngày, em được đến Trung tâm PHCN Gio Linh, ở đó các điều trị viên Hàn Quốc đã tập PHCN và dạy em sử dụng đôi chân để vẽ, tô màu, rồi sau đó viết những chữ đầu tiên. Minh Chí cũng học cách tự lập ăn, uống và di chuyển trong nhà bằng chiếc ghế nhỏ. 

Sau thời gian PHCN và can thiệp giáo dục sớm, Minh Chí đã được đi học, em đang theo học lớp 3 Trường Tiểu học Gio Việt. Ba năm liền, Chí đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trước đây, ba em chở em đến lớp. Gần đây, Medipeace tặng em xe lăn điện, em đã tự đi từ nhà đến trường.

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 2

Cháu Minh Chí đã đi học, em tự tin, hòa nhập tốt hơn với bạn bè

Theo dõi những hình ảnh về cháu Minh Chí qua đoạn video ngắn, ai cũng thấy vui mừng trước sự nỗ lực của cháu để cố gắng hòa nhập tốt hơn với bạn bè.

Chia sẻ tại hội nghị, anh Nguyễn Thanh Thủy (bố cháu Minh Chí) cho hay, khi tiếp cận các kỹ thuật phục hồi chức năng, cháu Minh Chí vận động tốt hơn. Nhờ có sự giúp đỡ của các kỹ thuật viên hỗ trợ PHCN mà cháu dần tự lập trong mọi sinh hoạt hàng ngày, hòa nhập với các bạn.

Một trường hợp khác cho thấy sự thay đổi kỳ diệu sau khi được PHCN là cháu Trần Gia Huy, xã Hải Trường, Hải Lăng.

Trước khi tham gia PHCN, Gia Huy dù đã hơn 2 tuổi nhưng vẫn không nói được, khi muốn uống nước em phải chạy ra dắt tay ba mẹ tới bình nước và thường chạy lung tung khiến cả nhà nhiều phen hốt hoảng đi tìm. 

Từ năm 2017, em được vào dự án PHCN, tuần 3 buổi, Gia Huy được cô Lê Thị Cử đến hướng dẫn học. Trong túi cô luôn luôn có hình con cá, con tôm, và quả chuối. Cô dạy em nói, dạy em biết cách diễn tả mong muốn của mình. 

Bên cạnh đó, Huy cũng được đưa đến Phòng PHCN ở Hải Trường luyện tập.

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 3

Cháu Trần Gia Huy tự tay tô màu hình các con vật

Chị Tình - mẹ cháu Huy - cho biết, nhờ những buổi học chăm chỉ ở phòng PHCN và cả ở nhà, giờ đây Huy đã biết nói và hiểu các từ đơn giản, biết yêu cầu được ăn khi đói, biết tự đi nhà vệ sinh. Huy biết bảng chữ cái và đặc biệt là em vẽ rất đẹp. Giờ đây, sáng ở phòng PHCN, chiều đi học ở trường tiểu học, Huy đã dần từng bước hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa.

Hàng ngàn trẻ khuyết tật được hỗ trợ điều trị PHCN

Với sự tài trợ của KOICA, Tổ chức Medipeace đã triển khai Dự án "Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống" trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 4

Nhiều cơ sở PHCN được xây dựng tại tuyến xã để điều trị cho trẻ khuyết tật.

KOICA và Medipeace đã đóng góp tổng cộng 3 tỷ won (tương đương 62,3 tỷ đồng), trong 9 năm từ năm 2012 - 2020, cùng nhau nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống và điều trị PHCN cho trẻ khuyết tật. 

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 5

Hội nghị tổng kết 9 năm dự án hỗ trợ trẻ khuyết tật.

Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, đặc biệt các chuyên gia Hàn Quốc đã đào tạo nâng cao năng lực về PHCN cho đội ngũ cán bộ y tế địa phương và PHCN cho trẻ khuyết tật, xây dựng và vận hành 10 phòng PHCN cộng đồng, hàng ngày điều trị PHCN cho 160 trẻ.

Tới nay, dự án hỗ trợ trang thiết bị và dụng cụ trợ giúp cho hơn 1.100 trẻ khuyết tật.

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 6

Các cháu được tập luyện nhiều kỹ năng vận động, giao tiếp...

Ngoài ra, các kỹ thuật viên Hàn Quốc và địa phương đến thăm, khám và điều trị tại nhà cho hơn 1.200 trẻ khuyết tật; hỗ trợ xây mới và cải thiện nhà ở cho 120 gia đình có trẻ khuyết tật, giúp trẻ có thể di chuyển trong nhà và tiếp cận được với nước sạch, nhà vệ sinh và di chuyển ra ngoài để tăng khả năng sống độc lập.

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 7

Các cô giáo tận tình luyện tập cho trẻ khuyết tật.

Bên cạnh đó, dự án có chương trình "Cha mẹ hạnh phúc - con hạnh phúc" gắn kết các thành viên trong gia đình và thay đổi hành vi của cha mẹ trong giao tiếp với trẻ hàng ngày.

Ông Hồ Sỹ Quảng - Giám đốc Tổ chức Medipeace cho biết: "Sau 9 năm triển khai dự án, với các hoạt động xây dựng, hỗ trợ các phòng phục hồi chức năng, các chương trình tư vấn điều trị PHCN, tập huấn phụ huynh và y tế thôn, hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, dự án đã đặt những viên gạch vững chắc cho lĩnh vực PHCN cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Dự án đã góp phần nâng cao vị thế, quyền lợi của trẻ khuyết tật trong xã hội, giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được  tiếp cận phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, tiếp nối thành công của dự án, cuối năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã gửi đề xuất dự án hợp tác song phương "Xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội - phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị" và đã được KOICA phê duyệt từ nguồn vốn ODA. dự kiến dự án sẽ được triển khai từ 2022-2026.

Dự án hơn 13 triệu USD này được kỳ vọng sẽ cung cấp một hệ thống phúc lợi lồng ghép toàn diện cho trẻ khuyết tật Quảng Trị nói riêng và khu vực miền Trung nói chung".

Hơn 1.100 trẻ em khuyết tật vùng nông thôn được điều trị phục hồi chức năng - 8

Những cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động hỗ trợ trẻ khuyết tật được ghi nhận

Ông Nguyễn Trí Thanh - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị) - cho biết, dự án được triển khai tại Quảng Trị đã hỗ trợ cho ngành LĐ-TB&XH và ngành y tế điều tra về người khuyết tật. Có thể khẳng định, dự án được triển khai 9 năm qua đã góp phần trợ giúp, cải thiện cuộc sống trẻ khuyết tật, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội địa phương.