Hơn 1.000 tỷ đồng giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
(Dân trí) - Ngoài đầu tư hạ tầng đồng bộ, Bình Định còn tập trung nguồn vốn nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, góp phần thoát nghèo bền vững.
Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2024, từ nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương, đã có trên 604 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với tổng kinh phí 1.172 tỷ đồng.
Đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu.
Đặc biệt, những năm qua các địa phương miền núi Bình Định đã tập trung giải ngân nguồn vốn dự án 1 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ hộ nghèo xây mới nhà ở cho 68 hộ dân; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 250 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 679 người.
Ngoài ra, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tập trung ở những nơi cần thiết, với hàng trăm hộ dân được tái định cư, góp phần đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS.
"Sau 5 năm thực hiện các chính sách xã hội trong vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thành, vượt so với kế hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bào DTTS với đồng bằng của tỉnh…", ông Lung cho hay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những tồn tại như kinh tế vùng DTTS và miền núi một số nơi còn chậm phát triển; sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi còn thấp, giá thành sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp…
Theo ông Lung, nguyên nhân những tồn tại trên do xuất phát điểm vùng DTTS và miền núi là khá thấp; địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư…
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của cán bộ ở vùng DTTS còn chênh lệch so với khu vực đồng bằng, đô thị; đời sống của người dân thu nhập chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp, nhưng thu nhập còn khá thấp, bấp bênh.
Ông Lung cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho vùng đồng bào DTTS; thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo; phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS…
Đến 2029, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm 3-4%; giảm từ 50% trở lên số xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) và 100% số thôn đặc biệt khó khăn ngoài xã khu vực III so với hiện nay;
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35-40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ;
Duy trì 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sĩ và đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.