Xã miền núi không còn cảnh "trưa la cà quán nhậu, tối chửi vợ con"

Thanh Tùng

(Dân trí) - Sau 2 năm thực hiện mô hình "Địa chỉ tin cậy", số vụ bạo lực gia đình ở xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, Thanh Hóa giảm sâu.

Sáng 27/9, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình "Thanh Sơn ngày mới". Đây là sự kiện truyền thông thuộc Dự án 8 (thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em) - Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xã miền núi không còn cảnh trưa la cà quán nhậu, tối chửi vợ con  - 1

Phụ nữ xã Thanh Sơn tham quan triển lãm tại sự kiện (Ảnh: Thanh Tùng).

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Ủy viên đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, Thanh Sơn là 1 trong 8 xã điểm của cả nước được lựa chọn triển khai Dự án 8 và vận hành mô hình "Địa chỉ tin cậy", "Tổ truyền thông cộng đồng".

Từ một điểm nóng về vấn đề bạo lực gia đình, sau gần 2 năm triển khai mô hình "Địa chỉ tin cậy", xã Thanh Sơn đã có sự thay đổi rõ rệt, số lượng gia đình hay xảy ra bạo lực giảm nhiều.

"Trước năm 2021, xã Thanh Sơn có 23 gia đình có hành vi bạo lực, đến năm 2023 còn 6 gia đình. Các hộ gia đình có nguy cơ bạo lực đều được ký cam kết nên ít tái phạm. Cuộc sống của các gia đình nơi đây có thêm nhiều tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc", bà Tuyết cho hay.

Xã miền núi không còn cảnh trưa la cà quán nhậu, tối chửi vợ con  - 2

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Ủy viên đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo bà Tuyết, sự kiện truyền thông "Thanh Sơn ngày mới" có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, vận động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, người dân trong việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em.

Ông Lương Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, cho biết trên địa bàn hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, người dân có nhiều định kiến, tập tục, thói quen sinh hoạt còn lạc hậu, cổ hũ.

Đặc biệt, tình trạng phụ nữ bị bạo hành thường xuyên xảy ra, một trong số nguyên nhân chính chủ yếu do tình trạng sử dụng rượu bia quá đà của đàn ông. Kể từ khi mô hình "Địa chỉ tin cậy" đi vào hoạt động, người dân đã thay đổi suy nghĩ, cách làm, cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc. 

Xã miền núi không còn cảnh trưa la cà quán nhậu, tối chửi vợ con  - 3

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm (Ảnh: Thanh Tùng).

"Nhiều người chồng có suy nghĩ vợ chỉ cần ở nhà lo sinh hoạt gia đình, cuốc nương làm rẫy, còn lại việc lớn đàn ông lo hết. Thậm chí, có những ông chồng sáng chở vợ ra nương, trưa về la cà quán nhậu, tối đến lại chửi bới vợ con.

Từ khi có mô hình "Địa chỉ tin cậy" và các tổ truyền thông cộng đồng, tại địa phương không còn tình trạng này nữa. Đặc biệt, kể từ khi thành lập, ngôi nhà tạm lánh cũng chưa đón nạn nhân nào, chỉ có 1 cuộc điện thoại nhờ tư vấn, đây là một tín hiệu đáng mừng", ông Nhất nói.

Tại sự kiện lần này, ban tổ chức cũng tổ chức triển lãm "Thanh Sơn ngày mới" với 3 chủ đề: Thanh Sơn những nỗi niềm còn đó; đồng hành cùng những thay đổi; Thanh Sơn ngày mới.  

Mỗi chủ đề là câu chuyện chia sẻ những vấn đề về cuộc sống gia đình, một số tập tục không còn phù hợp, về sự khó khăn, trở ngại mà phụ nữ xã Thanh Sơn đang phải đối mặt.