"Sóng ngầm" dưới mái nhà: Bớt lời có... bớt đòn chồng?
(Dân trí) - Ngăn chặn bạo lực gia đình cần sự chung tay của các cơ quan chức năng và bản thân người trong cuộc. Giữ lửa hôn nhân hay châm ngòi xung đột phụ thuộc vào kỹ năng điều tiết cảm xúc của cả hai bên.
Xin rút "án phạt" cho chồng
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, trong năm 2020, toàn tỉnh này xảy ra 452 vụ bạo lực gia đình với 280 vụ bạo lực thân thể, 140 vụ bạo lực tinh thần, 28 vụ bạo lực kinh tế và 4 vụ bạo lực tình dục.
Đối với người gây bạo lực, ngành chức năng tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 407 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 3 trường hợp; giáo dục tại xã/ phường/ thị trấn 19 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 20 trường hợp và xử lý hình sự (phạt tù) 3 trường hợp.
Trở lại trường hợp bạo lực gia đình xảy ra tại xã Hùng Tiến (Nam Đàn, Nghệ An), từ tháng 6 đến tháng 11/2020, công an xã đã ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính đối với anh Thiên (tên nhân vật đã được thay đổi) về hành vi xâm hại sức khỏe và xúc phạm danh dự, nhân phẩm người vợ. Tháng 9/2020, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã trong thời hạn 3 tháng đối với người chồng này.
Dù vậy, người đàn ông thích "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" vẫn không sửa đổi. Ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn quyết định đưa anh Thiên vào cơ sở giáo dục bắt buộc trong thời hạn 9 tháng. Tuy nhiên, sau đó, chính người vợ đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng rút quyết định đưa chồng chị đến cơ sở giáo dục bắt buộc.
Ông Nguyễn Vinh Quang: "Cá nhân tôi thấy rằng, từ khi Đề án đưa công an chính quy về xã được triển khai và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương được nâng cao, tình trạng bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến tích cực".
"Từ đó tới nay, chúng tôi không nhận được phản ánh về tình trạng bạo hành tại nhà anh Thiên", ông Bùi Minh Thông - Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho biết. Tuy nhiên, không phải tình trạng mâu thuẫn, bạo lực gia đình nào cũng được hóa giải như trường hợp gia đình anh Thiên.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang - Phó trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An, xử lý hành vi bạo hành gia đình gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ chính nạn nhân.
"Trong một số trường hợp, nếu nạn nhân không trình báo hoặc không thừa nhận (do tự nguyện hoặc bị đe dọa) bị hành hung vẫn có thể xử lý được nếu có bằng chứng khác về hình ảnh, video, người làm chứng đúng sự thật. Nói như thế để thấy rằng, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể xã hội và cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, tố giác và xử lý các hành vi bạo lực gia đình", ông Quang cho hay.
Bị bạo hành vẫn muốn duy trì hôn nhân
Cùng quan điểm trên, ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An cho rằng, sự bàng quan của những người xung quanh, nghĩ bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn âm ỉ tồn tại. Mặt khác, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong tiếp cận của một số cán bộ chuyên trách khiến nạn nhân thấy không được cảm thông, chia sẻ, thậm chí đang bị phán xét về nguyên nhân dẫn tới bạo hành cũng là một trong những cản trở khi tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trên thực tế, việc xử lý (về mặt hành chính hoặc hình sự) các hành vi bạo lực gia đình được thực hiện khi hôn nhân đã rạn nứt, khó có khả năng hàn gắn hoặc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng. Trong khi đó, với tâm lý Á Đông và quan niệm truyền thống, nhiều nạn nhân bạo hành vẫn muốn duy trì cuộc hôn nhân của mình, dù điều đó không khiến cho họ hạnh phúc hay được bảo vệ.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, một trong những yếu tố then chốt để chấm dứt và ngăn ngừa bạo lực gia đình là thay đổi nhận thức và ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình. "Sự tôn trọng, cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu và kỹ năng điều tiết cảm xúc là điều then chốt trong việc hóa giải mâu thuẫn - nguồn cơn của bạo lực gia đình", ông Quang nhấn mạnh.
Ông Quang vẫn nhớ như in câu chuyện tham gia giải quyết một vụ bạo lực gia đình tại huyện Nghi Lộc. Vụ việc được chính người con gọi vào đường dây nóng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhờ can thiệp bởi mẹ cô bị bố cô bạo hành nhiều năm.
"Quá trình tiếp xúc, gợi mở câu chuyện chúng tôi nhận ra rằng, nguyên nhân vụ việc không phải là hai bên hết tình cảm mà do không tìm được tiếng nói chung, chưa có sự cảm thông và chia sẻ với nhau. Sau khi phân tích nguyên nhân, chỉ rõ khuyết điểm của từng người, hai vợ chồng ôm nhau khóc bởi ai cũng nhận thấy cái sai của mình đã làm tổn thương đối phương. Từ đó tới nay, gia đình sống rất hạnh phúc, thỉnh thoảng họ vẫn gọi điện mời tôi ra nhà chơi", ông Quang kể.
Về góc độ pháp lý, theo ông Lê Văn Lý, hình thức xử phạt và chế tài chưa đủ răn đe là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới. Bởi vậy cần thiết phải tăng chế tài xử lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương...
"Trên thực tế, giải quyết xung đột trong hôn nhân lại phụ thuộc phần lớn vào chính người trong cuộc. Ông cha ta đúc kết "chồng giận thì vợ bớt lời", tôi nghĩ không phải là khuyên người vợ phải nhẫn nhịn, cam chịu mà phải có cách ứng xử phù hợp và khôn khéo. Trong trường hợp không thể dung hòa mối quan hệ hôn nhân, gia đình, người phụ nữ phải quyết liệt bảo vệ bản thân bằng việc tìm đến các địa chỉ tin cậy hoặc sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ pháp luật", ông Lý cho hay.