"Nếu con chết, ba mẹ có ngừng đánh nhau không?"
(Dân trí) - Nhiều năm điều trị trầm cảm, đã từng nhập viện tâm thần, không ít lần có ý định tự vẫn... M. luôn mang nỗi ám ảnh về bạo hành gia đình, ám ảnh với những hình ảnh bố đánh mẹ...
"Làm sao để không chết?"
Mỗi ngày trôi qua với cô gái 26 tuổi T.N.M, đang làm việc tại TPHCM vô cùng khó khăn. Ban ngày, M. vẫn đi làm bình thường, cố gắng cười với cả thế giới, nhưng về phòng trọ là cô đổ gục xuống. Những sinh hoạt cơ bản như tắm rửa, ăn uống... với M. cũng là cả một thách thức.
M. vật lộn với chứng trầm cảm từ nhiều năm nay. Cô từng nhập viện tâm thần, chính thức điều trị, uống thuốc đã gần hai năm nhưng tình hình không cải thiện nhiều. Trên hai cánh tay M. chi chít vết rạch. Thiếu nữ đã vô số lần dùng dao lam cứa tay, 2 lần vào viện cấp cứu.
"Ý định tự tử luôn nung nấu trong đầu tôi. Nếu mọi người hỏi "Làm sao để sống" thì tôi luôn tự đấu tranh "Làm sao để không chết?". Tôi chán ghét bản thân mình!", M. nói.
T.N.M không chắc chắn nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm của mình nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất trong ký ức của cô là cảnh bố mẹ cãi lộn, đánh nhau.
Từ bé, chị em M. đã thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi lộn, bố bạo lực với mẹ theo nhiều cách thức, từ những cú đấm, đập đầu mẹ vào thành giường, lột quần áo mẹ, đánh vào vùng kín cho đến những lời chửi bới... Không ít lần mẹ mặt mũi sưng tấy, bê bết máu.
Có vài lần hàng xóm sang ngăn can, hay có khi mẹ đưa chị em M. sang bên ngoại, vài hôm lại quay về. Mẹ lại tiếp tục sống chung với những trận bạo hành, những tiếng la thét, chửi bới bố.
Lúc đầu, bố mẹ còn giấu hai chị em nhưng sau này không giấu nổi nữa, đánh chửi nhau công khai. Không ít lần, chị em M. vào kéo tay bố thì cả ba mẹ con cùng ăn đòn.
Cả bố và mẹ từng gào vào mặt hai chị em M: "Cũng tại chúng mày!". Có thể, theo M. bố mẹ đều uất ức vì chị em cô không phải là con trai.
M. kể, khi cô vào đại học, mỗi lần cô về nhà, gia đình vẫn vậy. Bố mẹ vẫn sống với nhau bằng những ngôn ngữ, hành động bạo lực. M. từng gào lên: "Nếu con chết, ba mẹ có ngừng đánh nhau không?". Và đến lúc này, cô vẫn chưa hết hỏi câu day dứt đó...
Chị em M. khuyên mẹ bỏ bố đi nhưng chẳng có tác dụng. Bà chửi rủa, khinh miệt chồng, than vãn, kể khổ đủ kiểu nhưng nhất quyết không giải thoát cho nhau.
M.trải lòng: "Giờ chỉ cần nghe tiếng đàn ông lớn tiếng là tôi đã bị hoảng loạn. Tôi không thể yêu đương, hay thậm chí là làm quen với bạn khác giới".
Cũng như M. trên hội nhóm về trầm cảm, từ những em học sinh cấp hai đến những phụ nữ đã có con cái đều không thiếu những lời kêu cứu, những nỗi ám ảnh về bạo hành gia đình trong quá khứ hoặc ngay hiện tại.
Bố mẹ đánh nhau, trẻ chán ghét bản thân!
Chia sẻ với phụ huynh trong chuyên đề giáo dục con của Hội quán Các bà mẹ, TS. Trần Văn Hùng kể, ông từng gặp nhiều học trò nói rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của các em là phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, đánh nhau.
"Bố mẹ có biết không, khi chúng ta đang đôi co, cãi nhau ai hơn ai thì con chúng ta có em phải chui vào nhà vệ sinh, xả nước thật to để khỏi nghe tiếng chúng ta, rồi khóc nức nở vì không biết phải làm gì lúc đó. Rất nhiều trẻ nói rằng, những lúc như vậy, các con chỉ muốn chết", ông Hùng nói thay cho tiếng kêu cứu của con trẻ.
Nói về tác động của bạo hành gia đình đến con trẻ, TS tâm lý Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách "Dạy con trong hoang mang" nhắc đến trường hợp ông từng tư vấn, người này đã 80 tuổi vẫn còn ám ảnh, sợ hãi về những tháng ngày tuổi thơ buồn thảm khi thường xuyên chứng kiến ba mẹ cãi nhau, đánh nhau.
Theo TS Lê Nguyên Phương, trẻ phải chứng kiến cảnh cãi vã, bạo hành sẽ gặp chứng âu lo, sợ hãi, nỗi bất an bủa vây. Có thể chúng còn tự trách bản thân không biết mình đã làm gì để bố mẹ đối xử với nhau như vậy, hay có thể oán hận cả mẹ, không biết tại sao mẹ lại làm cha nổi giận.
Trẻ dễ rơi vào cảm giác tuyệt vọng, bất lực và còn phải chống chọi với sự cô độc. Cô độc khi phải cố giấu giếm mọi người và cô độc từ chính sự lãng quên, ruồng rẫy và hắt hủi của cha mẹ. Khi cha mẹ đang trong cơn bực bội, cuồng nộ hay là đau đớn, tủi khổ... thì đã không còn bên cạnh con nữa.
Ông nhấn mạnh, trẻ chứng kiến bạo lực gia đình không chỉ là những lằn roi quất vụt làm bật máu tâm hồn mà hệ quả để lại còn là những dấu hằn lên hành vi. Thường trẻ trai sẽ bắt đầu đập phá, bướng bỉnh, sa sút trong học tập, gây hấn với bạn bè. Trẻ gái thường tách biệt mình với xã hội, có thể tự làm đau mình... Hoặc trẻ ở cả hai giới có thể trở nên bạc nhược, không dám khẳng định mình.
"Ảnh hưởng lên não bộ của trẻ bị bủa vây trong bạo lực gia đình không khác gì cựu chiến binh bị chấn thương qua lửa đạn. Chúng già trước tuổi, không chỉ trong tâm lý mà còn trong cả DNA. Và có thể chúng sẽ tìm đến ma túy, rượu bia và cả cái chết trước khi kịp già", ông Phương cảnh báo.