Bạc Liêu:
Học viên cai nghiện ma túy được đào tạo nghề để tìm việc làm, khởi nghiệp
(Dân trí) - "Việc dạy nghề cho học viên cai nghiện ma túy rất quan trọng. Qua đó, giúp họ có kiến thức nghề, sau khi hòa nhập cộng đồng có thể tìm việc làm, giảm tái nghiện".
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu) vừa phối hợp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tổ chức bế giảng lớp đào tạo nghề "Chế biến lạnh thủy sản" và "Chế biến sản phẩm khô"; khai giảng lớp "Chế biến tôm đông lạnh" cho các học viên cai nghiện.
Ông Nguyễn Bê On, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu, cho biết công tác đào tạo nghề cho các học viên cai nghiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Theo ông On, qua khảo sát cho thấy số học viên sau cai nghiện trở về cộng đồng có tỷ lệ tái nghiện khá cao. Nguyên nhân được ông On đưa ra là do yếu tố gia đình, môi trường, sự quyết tâm của học viên còn hạn chế.
"Chính vì thế, việc đào tạo nghề cho các học viên cai nghiện rất quan trọng. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, để sau khi hòa nhập cộng đồng, học viên có thể tìm việc làm sinh sống, giảm tái nghiện", ông On nhấn mạnh.
Ông On chia sẻ, mỗi học viên có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Trong suy nghĩ của nhiều học viên có tâm lý lo lắng, mặc cảm, sợ phân biệt kỳ thi, đây cũng là rào cản khả năng tiếp cận việc làm.
"Các học viên cần phải thoát đi những tâm lý đó, có suy nghĩa tích cực hơn, thể hiện sự phấn đấu vươn lên bằng niềm tin, nghị lực, chuẩn bị cho mình một tâm thế mới, khi hòa nhập cộng đồng có một tương lai tốt đẹp hơn", ông On bày tỏ.
Nói về việc đào tạo nghề, ông Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, cho rằng, mô hình đào tạo nghề cho các học viên cai nghiện là rất cần thiết, mang lại nhiều ý nghĩa.
Theo ông Chánh, sau các lớp học nghề, học viên có thể trở thành người lao động có tay nghề, tham gia hoạt động sản xuất hiệu quả, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, khẳng định trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội.
"Học viên nào có ý tưởng tích cực, nếu trong tay có 5-10 triệu đồng thì có thể khởi nghiệp được nghề chế biến sản phẩm khô khi mở cơ sở nho nhỏ trong gia đình. Điều kiện địa phương chúng ta rất nhiều thủy hải sản. Từ nguyên liệu tươi qua sơ chế lại tích trữ thành sản phẩm khô, có giá trị trong thị trường rất lớn", ông Chánh gợi mở.
Lãnh đạo trường cũng mong muốn các học viên khi về nhà triển khai thực hiện nghề ngay trong gia đình, cộng đồng. Học viên nào có chí hướng thì tiếp tục tham gia khóa đào tạo dài hạn hơn để nâng cao tay nghề, giúp ổn định cuộc sống.
Anh N.T.K. (học viên cơ sở cai nghiện) chia sẻ, qua học nghề đã giúp nhiều học viên tự tin hơn khi hòa nhập cộng đồng. Học viên có một số kiến thức về nghề, là cơ hội để tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình.
"Học viên còn cai nghiện cần cố gắng tích cực học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong nghề nghiệp, hoàn thiện bản thân, trở thành công dân tốt trong xã hội, vượt qua khó khăn, phòng chống tái nghiện", anh K. nhắn nhủ.