Học trò đọc sách tả cảnh sex, nhiều người kể xưa chuyền tay "cô giáo Thảo"
(Dân trí) - Gần 30 năm trước, khi học lớp 10 ở TPHCM, anh Nguyễn Văn Trung và đám bạn, cả nam và nữ lén lút chuyền tay nhau đọc "Cô giáo Thảo".
Tối 2/5, mạng xã hội liên tục lan truyền bài viết một phụ huynh bức xúc phản ánh giáo viên một trường quốc tế ở TPHCM phát sách có nhiều đoạn mô tả trần trụi cảnh giường chiếu cho học sinh lớp 11 đọc.
Học trò đọc sách tả cảnh "nóng", xem phim "sex": Không lạ!
Tạm gác một bên những tranh cãi về việc nên hay chăng đưa một tác phẩm văn học như vậy để học sinh lớp 11 đọc, sự việc trên còn cho thấy góc nhìn liên quan đến giáo dục giới tính, về tiếp cận thông tin giới tính, tình dục của con trẻ. Sự việc cũng khơi lên góc nhìn về phản ứng của phụ huynh trước việc con tiếp cận thông tin "chuyện người lớn".
Từ trải nghiệm của chính bản thân, nhiều ý kiến cho rằng việc học trò cấp 3 đọc sách mô tả cảnh sex, cảnh giường chiếu là... chuyện chẳng có gì lạ. Rất nhiều người đã trải qua quãng đời học trò "đọc lén" truyện sex.
Anh Ngô Văn Tường, làm việc tại một ngân hàng ở quận 1, TPHCM cho biết, hồi học cấp 3, anh và 5 cậu bạn thân chỉ cần hở cái là rủ nhau góp tiền thuê video "con heo" rồi tụ tập tại nhà của bạn nào đó để cùng nhau xem. Đứa này xem, đứa khác canh chừng để báo động... lỡ may bố mẹ về.
Cuốn truyện "Cô giáo Thảo" cũng được bạn bè photo rồi chuyền tay cho nhau đọc. Anh Tường đem về nhà, vừa đọc vừa lo bố mẹ phát hiện.
Có cùng "bí mật", anh Nguyễn Văn Trung, nhà ở Gò Vấp, TPHCM gọi thế hệ của mình là "thế hệ đọc lén truyện sex".
Gần 30 năm trước khi học lớp 10 ở TPHCM, anh và đám bạn, cả trai và gái lén lút chuyền tay nhau "Cô giáo Thảo" để đọc. Có khi anh còn được đám đàn anh lớp trên… cho mượn băng đĩa phim "nóng" về để "mở mang đầu óc".
Theo anh Trung, độ tuổi lớp 10-11 ngày đó, các mối quan hệ tình cảm trong sáng nhưng dù sao, tò mò giới tính, học trò cũng tìm mọi cách để tiếp cận thông tin giới tính, tình dục. Nên việc phụ huynh thời nay vẫn "nhảy dựng", lên án gay gắt việc con tiếp cận thông tin tình dục, giới tính thì nên… xem lại chính mình.
Vì thực tế bây giờ, anh Trung cho rằng, đến tuổi này các em mới mày mò, đọc sách là có thể đã rơi vào cảnh… lý thuyết đi sau thực hành.
Điều anh Trung nói thể hiện rõ qua các số liệu phản ánh về quan hệ tình dục sớm, về tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên những năm gần đây.
Theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho thấy, chỉ trong vòng 6 năm, tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019).
Trong số những học sinh đã từng quan hệ tình dục, 42,4% có sử dụng bao cao su và 44,0% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với tỷ lệ này vào năm 2013 (lần lượt là 52,6% và 64,2%). Trong đó 63,0% có sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất.
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi; với 70% là học sinh, sinh viên.
Người Việt "mù" kiến thức giới tính?
Nhu cầu tìm hiểu về "chuyện người lớn" ở Việt Nam thể hiện qua kết quả khảo sát trên công cụ tìm kiếm Google năm 2014. Khảo sát cho thấy, Việt Nam đứng thứ 8 trong top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất từ khóa "sex" trên mạng internet. Trước đó, vào năm 2009 Việt Nam xếp thứ nhất trong danh sách này.
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An nêu quan điểm, khi đề cập đến chủ đề giáo dục giới tính, nhiều người lớn, từ gia đình đến nhà trường vẫn còn e dè, ngại ngùng và nghĩ rằng học sinh vẫn còn non nớt, ngây thơ, "không biết gì".
Tuy nhiên, thực tế khi tiếp xúc với học sinh thông qua những buổi tư vấn trực tiếp hay những chia sẻ trên mạng xã hội, ông An thấy rõ, đa phần các em đã tò mò, tự tìm hiểu thông qua bạn bè, mạng xã hội từ giai đoạn dậy thì.
Hành trình này nếu thiếu vắng sự hướng dẫn, trò chuyện, định hướng một cách khoa học, các em dễ đưa ra những quyết định sai lầm, gây tổn hại đến sức khỏe sinh sản và tinh thần của bản thân và người các em yêu thương.
Dựa vào tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện bao gồm 3 thành tố cơ bản: Chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì; xu hướng tính dục, bản dạng giới, tôn trọng sự đa dạng tính dục; và cuối cùng là tình dục an toàn, bao gồm biện pháp phòng tránh thai, đồng thuận trong tình dục,...
Tại Việt Nam, theo ông An, nhiều người vẫn nhầm lẫn việc trò chuyện về đa dạng xu hướng tính dục hoặc tình dục an toàn là cổ xúy, gây hại cho con trẻ.
"Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng các ấn phẩm đồi trụy, mang văn phong gợi dục... không được xem là sản phẩm giáo dục giới tính. Bởi, thông qua những sản phẩm này không cung cấp, hoặc chỉ cung cấp rất ít các kiến thức cần biết về cơ thể, về tính dục.
Ngoài ra, những tài liệu trong giáo dục, kể cả là tham khảo, cũng cần sự thẩm định kỹ lưỡng từ nhiều phía: nhà giáo dục, nhà tâm lý, bác sĩ,... để hạn chế cung cấp những kiến thức sai lệch cho con trẻ", chuyên viên tâm lý này cho hay.
Một bác sĩ về lĩnh vực tình dục ở TPHCM từng chia sẻ, ở Việt Nam đã xóa được nạn mù chữ nhưng có một nạn khác là nạn mù… kiến thức giới tính, kiến thức tình dục, không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả ở người lớn.
Điều này kéo theo rất nhiều hậu quả đau lòng trong đời sống gia đình và xã hội. Nhiều người không biết cách bảo vệ bản thân, cách để sống hài hòa, đúng mực, hạnh phúc với phẩm chất giới tính của mình, thậm chí có hành vi tổn hại người khác vì thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết.
Vị chuyên gia đánh giá, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc "mù giới tính" khi tại Việt Nam, đây vẫn bị xem là "vùng cấm", con trẻ ít được tiếp cận chính thống, ít được chia sẻ, trao đổi…
Vì vậy, trẻ tiếp cận lén lút, tiếp cận nửa vời các thông tin thiếu khoa học, thậm chí lệch lạc, biết nhiều thứ nhưng thật ra... biết không đến nơi đến chốn.