Hỗ trợ tiền thuê nhà: Sao đã có xác nhận đóng bảo hiểm vẫn cần bảng lương?
(Dân trí) - Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, quy định việc chi tiền hỗ trợ người lao động thuê nhà chặt chẽ để tránh bỏ sót đối tượng, ngăn chặn nguy cơ trục lợi chính sách...
Chiều 30/3, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuộc họp báo thông tin về Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng vừa được ban hành về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Nhiều vấn đề đã được báo giới nêu ra tại cuộc họp báo.
Trả lời câu hỏi vì sao việc xác minh tình trạng làm việc của người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ cần dựa vào cả danh sách đóng BHXH và bảng lương thực tế, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: "Trong thực tế, bên cạnh những lao động làm việc theo hợp đồng lao động và có tên trong danh sách đóng BHXH, vẫn có những trường hợp không đóng BHXH".
Những trường hợp này được quy định tại khoản 4, Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, như người giúp việc gia đình, người đang hưởng lương hưu hằng tháng, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP…
"Chính vì vậy, Quyết định số 08 quy định cả căn cứ bảng lương, bên cạnh thông tin thể hiện ở danh sách đóng BHXH để tránh bỏ sót đối tượng được hỗ trợ", Thứ trưởng Thanh giải đáp.
Liên quan tới thắc mắc về việc xác nhận của chủ nhà trọ và người lao động khi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nêu rõ, khi tham mưu chính sách, Cục đã tính tới thực tế sự đa dạng về hình thức thuê trọ, quan hệ giữa chủ nhà và người lao động ở từng địa phương. Để bám sát thực tế, Quyết định 08 đã phân rất rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, bảo hiểm...
"Khi giải quyết thủ tục nhận hỗ trợ tại địa phương, người thuê trọ cần dựa vào chủ nhà trọ, tổ dân phố, công đoàn cơ sở và công an khu vực và chính quyền địa phương. Trên cơ sở nguyên tắc chung, Quyết định 08 giao trách nhiệm chính cho chính quyền địa phương để chủ động có cách thức nắm thông tin về người lao động thuê trọ trên địa bàn", ông Vũ Trọng Bình nói.
Quyết định 08 cũng đã ghi rõ mẫu xác nhận của chủ nhà trọ, doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội. Đây là những căn cứ để trình cơ quan quản lý cấp huyện xem xét tiếp theo.
Về băn khoăn, trường hợp chủ nhà trọ không xác nhận cho người lao động thì giải quyết ra sao, Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho rằng, về nguyên tắc, người thuê trọ trả tiền cho chủ nhà trọ nên chủ nhà trọ có trách nhiệm xác nhận cho người lao động việc thuê trọ. Nếu xảy ra trường hợp hãn hữu là người chủ nhà không chịu xác nhận, người lao động có thể thông qua chính quyền địa phương để làm rõ thông tin và yêu cầu xác nhận nếu có thời gian thuê trọ phù hợp quy định.
Cục trưởng Cục Việc làm cũng cho biết thêm, trường hợp người thuê và chủ trọ không có văn bản hợp đồng thuê nhà thì chỉ cần chủ nhà xác nhận theo mẫu. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, tỉnh và cơ quan công an xác nhận để làm rõ tình trạng người lao động thuê trọ.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm: "Trong bối cảnh khó khăn do tác động của Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao ý nghĩa nhân văn và tính kịp thời của Chính phủ trong chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động".
Để tránh khả năng trục lợi từ chính sách, bà Vi Thị Hồng Minh nhận định, quy trình xác nhận khá chặt chẽ từ nhiều cấp và các bên như chủ nhà trọ, tổ dân phố, công an khu vực, chính quyền địa phương và doanh nghiệp như thể hiện trong Quyết định 08 sẽ hạn chế tối đa vấn đề này.
Cơ quan tham mưu cũng đã đưa vào thêm căn cứ xác định người được hỗ trợ là danh sách người lao động theo bảng lương thực tế cũng giúp hạn chế tình trạng bỏ sót đối tượng hỗ trợ.
Tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn
Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện Quyết định 08 tới đây, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, về cơ bản, việc xác nhận người đủ điều kiện nhận hỗ trợ đòi hỏi vào sự tự giác của người lao động và chủ nhà trọ.
Bên cạnh đó, ông Lê Đình Quảng khuyến cáo, cần có sự linh hoạt trong triển khai chính sách, vừa thực hiện vừa điều chỉnh cho hợp lý vì trong thực tế sẽ có nhiều tình huống phát sinh trong việc xác nhận của chủ nhà trọ với người lao động.
"Về nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền tới người lao động, để giúp người lao động hiểu được lợi ích của chính sách và nhanh chóng quay lại thị trường lao động sau những biến cố do dịch Covid-19 gây ra vừa qua", ông Lê Đình Quảng khẳng định.
Để việc chi, chuyển tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động kịp thời, hiệu quả, ông Lê Đình Quảng đề nghị cơ quan chức năng thông báo tới tổ chức công đoàn cơ sở để tăng cường giám sát. Đồng thời, Tổng Liên đoàn lao động cũng sẽ có văn bản chỉ đạo triển khai sớm công việc này.