Hỗ trợ nhà ở cho nữ công nhân nhập cư
(Dân trí) - Lao động nữ nhập cư tại TPHCM được giảm giá thuê nhà trọ, giảm phí gửi con tại nhà trẻ và tiếp cận với luật, chính sách về bình đẳng giới…
Nữ công nhân được thuê nhà phù hợp với thu nhập
Trên địa bàn TPHCM có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động, lao động nữ chiếm 45%. Cơ cấu gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức.
Nữ lao động nhập cư là đối tượng được quan tâm đặc biệt của Hội liên hiệp Phụ nữ TPHCM và Công đoàn TPHCM. Hiện nay, đã có nhiều chương trình hoạt động nhằm giảm tiền thuê nhà trọ, giảm chi phí gửi trẻ, cho con công nhân, sân chơi lành mạnh, an toàn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Bà Nguyễn Ngọc Yến - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Quận 12 cho biết, trên địa bàn có hơn 10 nghìn hội viên là nữ công nhân lao động. Đa số họ đều là người nhập cư đến làm việc và sinh sống tại Quận 12. Để hỗ trợ chị em xa quê, Câu lạc bộ "Nữ chủ nhà trọ" có 342 thành viên với 3.655 phòng trọ, cho thuê với giá từ 1 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/phòng/tháng, phù hợp với thu nhập của công nhân.
Tại huyện Hóc Môn (TPHCM), đến cuối tháng 5/2022 có hơn 33.300 công nhân lao động. Trong đó lao động nữ hơn 20.700 người, chiếm 62.11%. Lao động nhập cư sinh sống tại các khu nhà trọ, khu lưu trú trên toàn huyện chiếm 35% tổng số lao động của huyện. Hơn 50% trong số này là lao động nữ.
TP Thủ Đức là nơi có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, chính vì thế công nhân lao động có số lượng lớn. Nữ công nhân lao động thuê trọ rải rác trên địa bàn thành phố.
Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công đoàn TP Thủ Đức đã có nhiều chính sách để hỗ trợ tiền thuê nhà, vận động chủ nhà trọ miễn tiền thuê phòng trong mùa dịch và thời điểm giá cả leo thang...
Chăm lo cuộc sống của nữ lao động nhập cư
Đa số nữ công nhân đều sống trong các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố, nên Công đoàn và Hội phụ nữ đã vận động chủ nhà trọ làm cầu nối để gần gũi với công nhân lao động. Cụ thể, ngoài giờ làm việc, nữ công nhân lao động được tham gia các hoạt động như giao lưu, trao đổi, tổ chức cuộc thi… vào các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước.
Đối với nữ lao động khó khăn sinh sống tại khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ được Hội liên hiệp Phụ nữ TPHCM và Công đoàn TPHCM chăm lo bằng nhiều hình thức khác nhau. Mô hình "Chi hội phụ nữ công nhân lao động" "câu lạc bộ "Nữ chủ nhà trọ" chính là lực lượng nòng cốt để chia sẻ tâm tư nguyện vọng của nữ công nhân lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Huyện Hóc Môn, thông qua chủ nhà trọ, Hội phụ nữ các quận đã tiếp cận được nữ công nhân lao động để tuyên truyền nâng cao đời sống tinh thần. Tổ chức sân chơi, truyền tải kiến thức về hoạt động xã hội đến nữ công nhân lao động trên địa bàn.
Nữ công nhân tiếp cận được với pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới cũng như Luật bảo hiểm xã hội… Từ đó nâng cao giá trị bản thân, cân bằng được thời gian làm việc và thời gian lo cho con cái, gia đình. Nữ công nhân đã bớt rụt rè, tham gia các hoạt động tập thể của khu trọ, của phường, quận nhiều hơn.
Không chỉ tặng quà cho nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, Hội phụ nữ quận cùng công đoàn quận còn trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai hằng năm cho con công nhân có thành tích trong học tập…
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, ngoài công tác chăm lo cho người lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công đoàn TPHCM tiếp tục quan tâm thêm nhóm con của công nhân bị mồ côi vì Covid- 19, có hoàn cảnh khó khăn để các cháu có cuộc sống ổn định.
Tuyên truyền cho nữ công nhân về bình đẳng giới, hạn chế bạo lực gia đình... tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nữ công nhân lao động trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là công nhân nhập cư sống tại các khu nhà trọ.
Dương Thùy