Lãnh đạo tỉnh "nóng mặt" với chuyện chống dịch, hỗ trợ người dân hậu Covid
(Dân trí) - Người lao động ngày càng nhận được nhiều hỗ trợ về vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn có chuyện dở khóc, dở cười trong chống dịch, hỗ trợ người dân...
TPHCM: Người dân cố tình làm sai, khai sai để nhận hỗ trợ
Trong khi Đảng, Nhà nước và các đoàn thể ra sức rà soát, phân loại các nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, hưởng bảo hiểm sao cho đúng, chính xác thì ở một số nơi, nhiều người không thuộc nhóm đối tượng được trợ cấp đã khai man, lập hồ sơ khống để nhận hỗ trợ.
Mới đây tại huyện Hóc Môn, TPHCM, cơ quan chức năng địa phương xác nhận có 700 trường hợp tại đây nhận hỗ trợ đợt 3 chưa đúng, trong đó có một số trường hợp tự giác trả lại.
Nhiều trường hợp hưởng lương, tham gia bảo hiểm vẫn nhận hỗ trợ; có trường hợp lợi dụng trẻ em, chưa có căn cước công dân để kê khai hoặc ghi 2 địa chỉ để nhận hỗ trợ 2 lần. Thậm chí, có trường hợp cố tình ghi sai số chứng minh nhân dân để phần mềm không phát hiện ra.
Tại Quận 11, địa phương này ghi nhận có hơn 1.000 trường hợp hồ sơ chi trả sai là gia đình có điều kiện, sau đó địa phương vận động người dân trả lại.
Bình Dương: Người ở nhà lầu, đi xe hơi nhận tiền hỗ trợ thuê trọ
Trường hợp hỗ trợ đối tượng khá hy hữu ở Bình Dương mới đây được nhiều báo chí đưa tin. Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương phát hiện hơn 22.900 hồ sơ kê khai hưởng hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng Covid-19 bị trùng lặp, trong đó có hơn 1.900 hồ sơ đã chi hỗ trợ mức 800.000 đồng/người.
Ngay sau khi phát hiện sai sót, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đã thu hồi ngay toàn bộ số tiền 1,5 tỷ đồng. Các trường hợp hồ sơ kê khai sai khác đều được cơ quan chức năng phát hiện trong quá trình phê duyệt hồ sơ, danh sách.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cũng cho biết thêm, sai sót chủ yếu là hồ sơ phát hiện trùng lặp nằm trong 2 chính sách riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ lao động gặp khó khăn vì Covid-19.
Cụ thể: chính sách hỗ trợ một phần tiền thuê nhà mức 300.000 đồng/người (theo nghị quyết 04 ngày 6/8/2021 của HĐND tỉnh) và hỗ trợ lương thực thực phẩm mức 500.000 đồng/người (chi bằng tiền hoặc hiện vật, theo quyết định số 12 ngày 14/8/2021 của UBND tỉnh).
Sự thật sau việc Quảng Ngãi "không hỗ trợ lao động tự do"
Chuyện dư luận Quảng Ngãi quan tâm đặc biệt trong tháng 10 là thông tin được ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định địa phương không hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Lý do được ông Minh đưa ra là do ngân sách của tỉnh khó khăn, phải dành để cho chi phí phòng chống dịch bệnh.
"Hiện tỉnh còn khó khăn nên đã thống nhất không đặt vấn đề hỗ trợ cho đối tượng này, dành kinh phí phòng chống dịch Covid-19, cụ thể là xét nghiệm, mua vật tư y tế, trang thiết bị, cơ sở vật chất...", ông Minh nói.
Đại diện tỉnh Quảng Ngãi khẳng định địa phương không để lao động tự do nào khó khăn và nói: "Không có lao động tự do nào của chúng tôi bị đói".
Trước vấn đề gây chú ý dư luận, tại cuộc họp trực tuyến về công tác hỗ trợ nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Quảng Ngãi làm báo cáo đề xuất những khó khăn, vướng mắc lên Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc Quảng Ngãi ưu tiên nguồn lực để tập trung vào đối tượng cấp bách, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh hàng đầu. Tuy nhiên, không có nghĩa là không quan tâm đến lực lượng lao động tự do.
"Lao động tự do chính là nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất, chịu tác động sâu rộng nhất của dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngoài lực lượng lao động tự do tại chỗ, Quảng Ngãi và nhiều địa phương vừa qua có nhiệm vụ cấp bách, nặng nề phải lo. Đó là số lao động lớn phía Nam đổ về quê. Vừa qua, Quảng Ngãi đã rất nỗ lực, thực hiện tương đối tốt việc này. Vì vậy, đề nghị địa phương báo cáo với Chính phủ về tình trạng thực tế của địa phương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Lãnh đạo Đồng Nai bức xúc vì công ty thả F1 ra cộng đồng
Mới đây, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tỏ rõ sự không hài lòng với trường hợp doanh nghiệp Changshin đóng trên địa bàn lơ là công tác phòng chống dịch, để hàng chục F0 Covid-19 ra cộng đồng.
Cụ thể, khi phát hiện 38 ca F0 Covid-19, công ty Changshin đã tự đưa công nhân vào khu cách ly, sau đó cho toàn bộ F1 về cộng đồng. Sự việc bị phát hiện, địa phương vào cuộc thì nhóm F1 đã di tản về 6 địa phương khác nhau, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, đẩy trách nhiệm chống dịch về phía gia đình người lao động, cộng đồng.
Trước cách hành xử thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tỏ ra rất bức xúc, cương quyết xử phạt nghiêm khắc doanh nghiệp này để răn đe, tránh tạo tiền lệ xấu.