Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH: Rà soát chi trả tránh "xà xẻo" tiền Nhà nước

Bình Minh

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với Thanh Hóa, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, phải ước tính được bao nhiêu người bị ảnh hưởng, chi trả bao nhiêu, tránh tính trạng xà xẻo tiền Nhà nước.

Sáng ngày 26/10, tại Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa, đoàn của kiểm tra Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với các đơn vị: Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài Chính, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng chính sách tỉnh Thanh Hóa về chi trả các gói hỗ trợ, chính sách an sinh xã hội.

Vướng mắc trong thực hiện

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, chưa có băn khoăn, thắc mắc hay kiện cáo gì liên quan đến gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68.

Tuy nhiên, chính sách viên chức hoạt động nghệ thuật còn phân vân, hồ sơ để các đối tượng F1, F0 hưởng hỗ trợ còn bất cập, tiến độ rà soát các đối tượng còn chưa đảm bảo yêu cầu; hỗ trợ cho các đối tượng không có giao kết hợp đồng còn gặp khó do địa phương chưa cân đối được ngân sách…

Chánh thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rà soát chi trả tránh xà xẻo tiền Nhà nước - 1

Đoàn kiểm tra Bộ LĐ-TB&XH làm việc với Thanh Hóa về các gói hỗ trợ, chính sách an sinh xã hội (Ảnh: BM).

Cụ thể, tại báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, quá trình triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, tiến độ rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động tại các huyện, thị xã, thành phố chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách ở cơ sở còn mỏng, khối lượng công việc nhiều ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện chính sách.

Quy định về hồ sơ giải quyết chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp F0, F1 còn bất cập, gây khó khăn cho đối tượng. Nguyên nhân là do tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị, F0 chưa kết thúc điều trị nên việc xác định số ngày điều trị để tính kinh phí hỗ trợ trước khi người bệnh xuất viện là rất khó.

Bên cạnh đó, quy định thành phần hồ sơ còn bất hợp lý; nhiều đối tượng không có sẵn giấy tờ tùy thân; nhiều người đã hoàn thành điều trị, cách ly trở về địa phương muốn nhận kinh phí hỗ trợ phải quay lại cơ sở y tế, cơ sở cách ly, gây khó khăn và tốn kém cho đối tượng.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 89 viên chức hoạt động nghệ thuật đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ. Đây là những viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Do đó, khi dịch xảy ra, các viên chức này không bị cắt giảm tiền lương.

Ngoài ra, đơn vị này cũng không có quyết định của UBND tỉnh về việc tạm dừng hoạt động nên Sở Tài chính không có cơ sở để cấp bổ sung kinh phí chi trả hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

Chánh thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rà soát chi trả tránh xà xẻo tiền Nhà nước - 2

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: BM).

Việc bố trí kinh phí để chi trả hỗ trợ cho các đối tượng đã có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, UBND cấp huyện gặp nhiều khó khăn do Thanh Hóa là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách…

Cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, ghi nhận những nỗ lực đạt được của tỉnh Thanh Hóa, có sự phối hợp tốt giữa Ngành lao động, Ngân hàng chính sách xã hội, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh nên người dân, doanh nghiệp cần hỗ trợ đã cơ bản được hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Tùng lưu ý Thanh Hóa cần đưa ra số liệu ước tính cụ thể bao nhiêu người, bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng Covid-19? đến nay đã chi trả được bao nhiêu? dự kiến chi trả trong thời gian tới?

Chánh thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rà soát chi trả tránh xà xẻo tiền Nhà nước - 3

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH lưu ý Thanh Hóa cần đưa ra số liệu ước tính cụ thể bao nhiêu người, bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng Covid-19? đến nay đã chi trả được bao nhiêu? dự kiến chi trả trong thời gian tới?

"Bộ sẽ có một cuộc thanh tra mang tính chất chuyên đề sau khi hoàn thành các gói hỗ trợ. Các địa phương rà soát, chi trả làm sao để tránh trường hợp "xà xẻo" tiền Nhà nước", ông Tùng cho biết.

Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị 3 đơn vị gồm: Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng chính sách tỉnh bắt buộc phải có đường dây nóng và yêu cầu đăng liên tục trên thông tin đại chúng để người dân được giải đáp khi có thắc mắc.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, kinh doanh cá thể, lao động không có hợp đồng, Thanh Hóa chưa bám sát. Tới đây, nên quyết liệt vào cuộc, khẩn trương rà soát, lấy chính quyền cấp phường xã làm nền tảng để rà soát toàn bộ số lao động kinh doanh tự do, không có hợp đồng lao động để có hướng hỗ trợ cho họ kịp thời nhất, nhanh nhất.

"Có bao nhiêu người bán nước chè, bao nhiêu trẻ đánh giày, bao nhiêu người bán hàng rong… vì sao không điều tra được? Chính quyền địa phương, xã phường ở đâu? Nếu không nắm được thì đừng làm chủ tịch nữa. Chỗ nào cần hỗ trợ, chỗ nào cần can thiệp kịp thời, yêu cầu chính quyền địa phương phải nắm được. Sự hỗ trợ đó là miếng cơm manh áo của người ta đó", Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh.

Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, đối tượng viên chức nghệ thuật mà Thanh Hóa đang phân vân, họ phải được hưởng hỗ trợ. Theo ông Tùng, hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch chứ không phải cấp bù lương mà nói người ta có lương thì không được hỗ trợ hay phải cần quyết định tạm dừng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Tùng cũng đề nghị Thanh Hóa lên phương án dạy nghề, kết nối người lao động với doanh nghiệp; cho vay vốn để giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.

"Phải đánh giá hiệu quả thật, không thể nói chung chung mô hình mà không có khả thi; dạy nghề phải dạy nghề gì? phù hợp với vị trí địa lý của từng vùng. Lao động có nhu cầu quay lại thì phải lên phương án hỗ trợ quay trở lại làm việc ở đơn vị cũ. Chúng ta làm không tốt sẽ nảy sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng".

Ông Tùng cũng lưu ý Thanh Hóa cần đưa ra con số thực cụ thể từng đối tượng được hỗ trợ nếu không sẽ khó tính tỷ lệ phần trăm đạt được bao nhiêu. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ mới có căn cứ đưa ra nhận định chung, để gỡ khó.