"Hậu chống dịch, tránh biến người có công thành có tội!"
(Dân trí) - Đề cập tới vấn đề "hậu sử dụng" nguồn lực trong phòng chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu kỹ quy định về giải thể, bàn giao tài sản, tránh biến người có công thành có tội.
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với các Bộ, ngành về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, sau phần báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nêu nhiều nội dung cụ thể khác.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội
Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và người dân đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; ban hành các cơ chế, chính sách để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Các lực lượng được huy động tham gia chống dịch trong ngành Y tế, Quân đội, Công an đã cùng với lực lượng tại chỗ làm việc không quản khó khăn, gian khổ, chấp nhận các rủi ro, thậm chí đã có sự hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ...
Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, như nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, định mức vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm đủ dự phòng và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hiện có.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; luật Dược; luật Đấu thầu liên quan đến việc đăng ký lưu hành thuốc điều trị; chứng nhận lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; có cơ chế đặc thù trong mua sắm, huy động nguồn lực trong ứng phó tình trạng khẩn cấp như đại dịch, thiên tai, thảm họa...
Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho phép chuyển nguồn số kinh phí đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch của ngân sách nhà nước sang các năm tiếp theo như Chính phủ đã báo cáo để thực hiện đến khi công bố hết dịch.
Đối với Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá các chính sách, văn bản, tổng kết 3 năm công tác phòng, chống dịch để tiếp tục duy trì chính sách còn phù hợp, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, ban hành theo thẩm quyền các chính sách cần thiết để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới...
Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết các vấn đề hậu Covid-19; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch, đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu xem xét cụ thể các nội dung huy động, quản lý và sử dụng và nghiên cứu thêm việc "hậu sử dụng" nguồn lực chống dịch. Lãnh đạo Quốc hội gợi ý tập trung vào việc lập bệnh viện dã chiến, xây dựng hàng rào, trang bị camera giám sát... Ông nêu thực tế, có quy định về thành lập, tổ chức, nhưng không có quy định về giải thể, bàn giao tài sản sau khi dừng hoạt động của bệnh viện dã chiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Nếu không thực hiện việc này cẩn thận, dễ biến người có công thành người có tội!".
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Quốc hội, báo cáo giám sát cũng cần đề cập xứng đáng về "nguồn lực nhân dân", yếu tố không thể cân, đo, đong đếm được. Đó chính là ý thức, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc trỗi dậy mỗi khi đất nước nguy nan.
"Có người tham gia chống dịch đem cả tài sản, công sức, thậm chí cống hiến cả tính mạng… Việc này cần được nêu rõ trong báo cáo giám sát đọc trước quốc dân đồng bào", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực, nhận định rõ chính sách nào phù hợp, chính sách nào chưa phù hợp.
Lưu ý khác của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định là đánh giá tình trạng thiếu chính sách, chính sách thiếu quy định cụ thể dẫn tới việc thực hiện thiếu thống nhất, tùy tiện, lợi dụng sơ hở để trục lợi, hậu quả là nhiều cán bộ vi phạm, phải xử lý.
Ông cũng muốn các bộ ngành báo cáo thêm đối với phản ánh của địa phương về tình trạng thanh tra, kiểm tra quá nhiều…
Làm rõ việc chi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát thống nhất đánh giá cao trách nhiệm, sự tích cực của các bộ, ngành trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đề nghị đại diện các bộ, ngành tiếp tục làm rõ một số nội dung về nguồn lực huy động tài chính ngoài ngân sách, như Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, khó khăn với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách là thiếu chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng bộc lộ nhiều bài học cần rút kinh nghiệm như vấn đề đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, giá trị, xác lập quyền sở hữu tài sản ủng hộ, hỗ trợ… Bà Chinh băn khoăn, nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều cấp, nhiều ngành huy động xã hội nhưng liệu việc huy động đã gắn với nhu cầu thực sự hay chưa, nguồn lực huy động đã đến tay các đối tượng cần hỗ trợ, chất lượng của các sản phẩm được hỗ trợ như thế nào?
Một số ý kiến lăn tăn, huy động trên 186.000 tỷ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là rất lớn nhưng cơ quan chức năng chưa báo cáo rõ việc chuyển nguồn đối với số tiền chưa sử dụng.
Các đại biểu cũng góp ý, cần thống nhất số liệu kinh phí đã bố trí cho các địa phương (hiện vẫn có sự chênh lệch từ tổng hợp các địa phương với kết quả của kiểm toán - PV); làm rõ tiến độ chi hỗ trợ cho lực lượng cán bộ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Quan tâm đến Quỹ vaccine, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, hoạt động chi từ quỹ này tại một số địa phương chưa rõ bởi về nguyên tắc, quỹ vaccine chỉ để mua vaccine.
Ngoài ra, Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời điểm tuyên bố hết dịch vì qua giám sát, các địa phương phản ánh những khó khăn hiện tại trong việc kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng Covid-19. Từ đó, câu hỏi đặt ra, hiện đã đến lúc Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng hay chưa, thời điểm nào Bộ Y tế công bố hoàn thành việc tiêm vaccine?
Nhận định chung, việc chuyển Quỹ vaccine phòng Covid-19 sang chương trình tiêm chủng mở rộng là phù hợp và cần thiết trong điều kiện chương trình này đang gặp khó khăn.