DNews

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Sau tai nạn kinh hoàng, anh Hà nằm bất động trên giường. Những tưởng sẽ kết thúc cuộc đời sau khoảnh khắc đó, anh chọn bước tiếp, làm điều mà người khác không ngờ tới là làm chủ 2 công ty ở Đồng Nai.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật

"Hôm nay, mình sẽ chết", dòng suy nghĩ ám ảnh mãi trong đầu anh Nguyễn Ngọc Hà sau vụ tai nạn kinh hoàng, khiến chàng trai năm nhất đại học trở thành một người khuyết tật.

Mọi cánh cửa tương lai dường như đóng sầm trước mắt, anh Hà tuyệt vọng, muốn được chết thật, nhưng tay chân không thể cử động, anh càng bất lực vì đến chuyện chết cũng không làm được. Thế là, anh chọn sống tiếp.

Từ một người khuyết tật, chỉ nằm trên giường, anh Hà học ngồi, học đứng, học tất cả mọi thứ, rồi khiến tất cả mọi người ngỡ ngàng khi trở thành ông chủ của 2 công ty.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 1
Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 2

Số phận thay đổi trong một đêm

Anh Nguyễn Ngọc Hà là con cả trong một gia đình làm nông ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Tuổi thơ của anh gắn liền với hình ảnh sáng đi học, chiều lại lật đật ra đồng phụ ba mẹ. Vốn đã quen sự cực khổ, anh Hà chưa từng than vãn lời nào hay thấy gia cảnh mình bất hạnh.

Nhà quá nghèo nên năm lên lớp 6, anh Hà phải nghỉ học ở nhà trông em. Mãi đến 3 năm sau, anh biết được chương trình bổ túc văn hóa ở địa phương không mất học phí. Lúc đó, anh Hà vừa học, vừa làm, nuôi ước mơ được đổi đời nhờ con chữ. Thế rồi, anh đậu vào trường đại học Lạc Hồng chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 3
Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 4

"Bức tranh về một tương lai đầy hi vọng hiện ra khiến tôi vô cùng hào hứng. Bản thân muốn được học, được làm nhiều việc lắm. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi chỉ sau một đêm", anh nghẹn ngào, nhớ lại.

Đêm 30 Tết 2009, anh bị một nhóm đua xe trái phép tông trực diện, bất tỉnh ngay lúc đó. Đến giờ, anh Hà chỉ nhớ mỗi cảnh mình tỉnh dậy ở bệnh viện, trước mặt là những loại dây chằng chéo xung quanh và một cơ thể không cử động được.

Anh bị thương tật 98%, chấn thương đốt sống cổ, chèn ép tủy dẫn đến liệt từ cổ tới chân. Gia đình và bác sĩ không nỡ thông báo ngay cho anh biết. Trong suốt thời gian nằm liệt giường ở bệnh viện, anh mới dần đau lòng, nhận ra mình đã trở thành người khuyết tật.

Cơ thể không cảm nhận được đau đớn, nhưng trái tim anh như bị bóp nghẹt. Lúc ấy, gia đình anh vẫn còn sống cảnh ở trọ. Ba anh vừa phẫu thuật tim chưa đầy 2 tháng, đã phải gồng mình đi làm kiếm tiền nuôi cả gia đình. Mẹ và em gái phải gác lại mọi thứ, ngày đêm túc trực ở bệnh viện để lo cho anh không khác gì một đứa trẻ.

"Con ruồi đậu trên mặt, tôi cũng không có cách nào đuổi nó bay đi. Cảm giác bất lực, tuyệt vọng, sụp đổ ngày càng dồn nén", anh Hà nói.

Nằm xuống mãi mãi hoặc đứng dậy bước tiếp

 Anh Hà được chuyển từ bệnh viện Chợ Rẫy xuống bệnh viện tuyến huyện ở địa phương. Lâu ngày, anh bị nhiễm trùng bàng quang, sức khỏe cũng yếu đi vì tinh thần ngày càng suy sụp. Đến mức, gia đình cũng chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục để lo hậu sự cho anh.

Chỉ đến khi được chuyển tới bệnh viện chuyên về Đông y, anh mới có sự chuyển biến tích cực. 4 tháng sau tai nạn, anh Hà bắt đầu ngồi được. Đến tháng thứ 6, anh được cho tập vật lý trị liệu và có thể đứng được bằng chiếc nẹp.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 5
Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 6

"Khao khát lớn nhất là muốn được cử động, được ngồi, đứng dậy dù chỉ một cái thôi cũng mãn nguyện", anh Hà nhớ rõ như in rằng cơ thể của mình lúc đó chỉ còn "da bọc xương".

Anh bộc bạch rằng tháng ngày trở về nhà là quãng thời gian anh rơi vào trầm cảm. Lúc ấy, ba mẹ anh đã bán đất để mua nhà cho anh về tịnh dưỡng.

Một năm đầu kể từ khi bị tai nạn, bạn bè, người thân đến thăm hỏi liên tục, khiến anh cảm thấy được an ủi. Nhưng lâu dần, sự quan tâm ấy cũng không duy trì được thường xuyên, khiến cho anh Hà một lần nữa rơi vào tuyệt vọng, lạc lõng và cô đơn.

Nhìn người khác được sống cuộc đời của một người bình thường, anh Hà đau xót vì vốn dĩ bản thân cũng từng được như vậy. Ngày nào cũng đối mặt với 4 bức tường, không thể làm gì, anh Hà bắt đầu chuỗi ngày bị suy nghĩ "giải thoát" vây lấy.

Thế rồi, trong một lần tiếp xúc với đoàn từ thiện ở bệnh viện, anh được tặng 3 quyển sách "Hạt giống tâm hồn". Lật từng trang sách, anh Hà chăm chú đọc từng mẩu chuyện của những người vượt qua nghịch cảnh mà vươn lên.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 7
Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 8

"Hoàn cảnh của họ rất khác nhau, có người bị ung thư, tai nạn, khuyết tật bẩm sinh,… nhưng có một điểm chung chính là họ chọn bước tiếp. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là câu chuyện của anh Nguyễn Công Hùng, người sáng lập ra trung tâm nghị lực sống để giúp đỡ những người khác. Khoảnh khắc ấy, tôi vỡ lẽ rằng người khác làm được thì mình cũng làm được", anh quyết tâm.

Bước khỏi vũng bùn lầy

 Không thể đi đâu, anh Hà ở nhà, lên mạng tự học tiếng Anh, lập trình phần mềm và thiết kế web. Việc học khiến cho anh không còn thời gian nghĩ đến những chuyện tiêu cực. Thời gian rảnh, anh còn tìm đến các hội nhóm dành cho người khuyết tật để giao lưu, kết bạn.

Ở khoảnh khắc ánh sáng của hi vọng lóe lên, anh Hà biết chắc rằng: "Nguyễn Ngọc Hà phiên bản tiêu cực đã chết, giờ tôi sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn khác".

Sự tích cực dường như mang lại may mắn cho anh. Người bạn trong cộng đồng người khuyết tật đã giới thiệu anh Hà với giám đốc của một công ty.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 9
Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 10

Chớp lấy cơ hội, anh Hà có được công việc đầu tiên. Dù mức lương chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, anh vẫn thấy rất trân quý. Không lâu sau, anh Hà chuyển từ làm nhân viên cho công ty sang làm tự do.

Nhờ các mối quan hệ tạo dựng từ trước và kinh nghiệm học hỏi sau 6 tháng làm việc, anh chủ động tìm đến nhiều đối tác hơn. Thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng cũng dần tăng lên 20-30 triệu đồng.

Thời điểm đó, anh nhận thức mình phải đóng góp cho cộng đồng như một lời trả ơn. Anh thiết kế một trang web kết nối, dạy tin học văn phòng và ngoại ngữ cho người khuyết tật. Ở đó, anh gặp được người vợ hiện tại của mình và biết đến ngành kiến trúc xây dựng.

Năm 2015, anh quyết định cùng một người bạn mở công ty riêng, với tệp khách hàng và số vốn tích cóp từ nhiều năm đi làm. Thế nhưng, mọi chuyện không dễ dàng.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 11
Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 12

"Tôi đã phải trả giá vì hành động hấp tấp. Vì không có kiến thức lẫn kinh nghiệm trong việc quản trị, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty thua lỗ 800 triệu đồng, đứng trên bờ vực phá sản. Nhân sự từ 13 người chỉ còn 6 người, bạn đồng hành cũng rút lui, chỉ còn một mình tôi gồng gánh mọi thứ", anh Hà nhớ lại.

Nhờ sự động viên của vợ, anh Hà đứng dậy một lần nữa. Chưa có kiến thức về điều gì, anh tìm tòi, học hỏi về điều đó. Anh chọn đi chậm hơn, gầy dựng công ty một lần nữa. Mỗi ngày, anh thức đến 1-2 sáng để học.

Sau hơn 1 năm, mọi thứ dần đi theo quỹ đạo. Anh Hà thở phào nhẹ nhõm khi đã có đủ tiền trả lương cho nhân viên, vận hành công ty. Trong thời gian đó, anh kết hôn, cùng vợ sinh 3 con nhỏ.

"Đó là niềm hạnh phúc to lớn mà tôi chưa dám mơ tới", anh Hà xúc động, nói.

Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 13
Hành trình làm chủ 2 công ty của người đàn ông khuyết tật - 14

Năm 2022, vị Giám đốc "xe lăn" tiếp tục cùng 2 người bạn thành lập công ty thứ 2 về chuỗi mua bán và sửa chữa ô tô. Lần này, vì đã rút được kinh nghiệm từ đợt khởi nghiệp trước, anh Hà có thể vận hành công ty trơn tru hơn.

Nhìn lại quãng đường đã qua, chàng trai bộc bạch bản thân vực dậy được là do anh cho phép "phiên bản tiêu cực" chết đi.

"Ước mơ, sự tích cực, ham học hỏi và suy nghĩ "người khác làm được, mình cũng làm được", là những yếu tố tạo nên sự thành công của một con người. Trong đường hầm tối đen ấy, chỉ cần có một tia sáng nhỏ thôi, bản năng con người sẽ bám vào tia sáng đó để tìm lối ra cho mình", anh Hà bộc bạch.

Ảnh: NVCC