Hà Nội: Phấn đấu giảm 5% tai nạn lao động gây chết người
(Dân trí) - Hà Nội đặt mục tiêu hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người. Đảm bảo 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch số 18/KH-UBND về an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021.
Kế hoạch nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố. Đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động để không ngừng chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Từ đó, kịp thời ngăn chặn giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng sức khỏe cho người lao động, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Đồng thời thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động.
TP Hà Nội phấn đấu, trên 95% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức công tác an toàn vệ sinh lao động cấp huyện, thị xã và ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất được tập huấn an toàn vệ sinh lao động.
Đồng thời, trên 85% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn lao động. đảm bảo 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật. Giảm 15% số lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp. Đảm bảo trên 80% người lao động làm việc tại nơi có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị sớm…
Từ những mục tiêu đề ra, UBND TP Hà Nội xây dựng nhiều dự án về an toàn lao động và vệ sinh an toàn lao động như: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động. Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành nghề nông thôn.