Hà Nội: Đặt mục tiêu đưa 900 người đi cai nghiện ma túy bắt buộc
(Dân trí) - Năm 2021, UBND TP Hà Nội sẽ đưa 900 người đi cai nghiện ma túy bắt buộc, tổ chức và vận động cai nghiện tại gia đình cho 1.100 người và 2.100 người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy…
Tiếp cận điều trị, cai nghiện
Nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội về công tác phòng chống ma túy, tăng cường công tác phòng chống ma túy, đặc biệt trong học sinh, sinh viên và người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
Ngoài ra, áp dụng đồng bộ các giải pháp dự phòng, điều trị cai nghiện ma túy dự phòng tái nghiện, nhằm giảm số người nghiện mới và giảm tác hại của tệ nạn ma túy với cộng đồng. Đồng thời đảm bảo tốt trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Mới đây, UBND TP Hà Nội triển khai văn bản số 39/KH-UBND nhằm triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021 có 90% số người nghiện, sử dụng ma túy có mặt tại cộng đồng có hồ sơ quản lý trên địa bàn TP Hà Nội được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy.
Cụ thể, TP lập hồ sơ đưa 900 người đi cai nghiện ma túy bắt buộc. Tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 1.100 người. Vận động 2.100 người tự nguyện đi cai nghiện ma túy tại các cơ sở công lập của thành phố. Tổ chức cai nghiện, điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại các cơ sở ngoài công lập cho 1.000 người.
Phấn đấu 100% người nghiện ma túy được quản lý sau cai, được tư vấn hỗ trợ học nghề, tạo việc làm với các hình thức phù hợp.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội tổ chức dạy nghề cho 500 người thuộc diện cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Ngoài ra UBND TP Hà Nội sẽ hỗ trợ vay vốn, dạy nghề và tạo việc làm cho 30 người sau cai nghiện ma túy và hộ gia đình người sau cai nghiện tại cộng đồng.
Tăng cường giáo dục và phòng ngừa
Để có thể đạt được mục tiêu nêu trên, UBND TP Hà Nội cho rằng cần đổi mới công tác giáo dục, phổ biến quy định về cai nghiện và quản lý sau cai, đồng thời phòng chống và kiểm soát ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp.
Các cơ quan ban ngành, cần tích cực rà soát người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn. Đồng thời xác định tình trạng nghiện, phát hiện người nghiện mới để đưa vào danh sách quản lý. Vận động người nghiện, gia đình người nghiện tự giác khai báo, tự nguyện tham gia các biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp.
TP Hà Nội cần tiếp tục triển khai và duy trì các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Tăng cường nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thực hiện công tác quản lý cai nghiện cho người nghiện ma túy.
Tăng cường quản lý và giúp đỡ người sau cai
Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Duy trì và phát triển các mô hình hỗ trợ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Cụ thể, duy trì, phát triển và hoạt động hiệu quả các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng thuộc 14 phường xã nhằm tạo điều kiện để người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy người sau cai nghiện và thân nhân của họ có nhiều cơ hội được tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị.
Từ đó giảm tác hại do người sử dụng ma túy, giảm các hành vi, vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma túy và cộng đồng. Kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới góp phần giảm tỉ lệ phạm tội trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, nghiện ma túy trên địa bàn TP Hà Nội.