Hà Nội: Bổ sung hơn 3.700 nội quy, quy trình làm việc an toàn
(Dân trí) - Năm 2020, TP Hà Nội có 7.316 kiến nghị với người sử dụng lao động về các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động, 3.702 nội quy, quy trình làm việc an toàn được bổ sung.
UBND TP Hà Nội vừa có Báo cáo số 73/BC-UBND về tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2021.
Theo đó, năm 2020, công tác an toàn, vệ sinh lao động của TP Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn, huấn luyện đến thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cụ thể, trong năm 2020, hơn 6.100 công đoàn cơ sở đã thực hiện công tác tự kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ, có 7.316 kiến nghị với người sử dụng lao động về các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động và yêu cầu bổ sung ngay các nội quy, quy trình làm việc an toàn.
Ngay sau khi có kiến nghị, có 3.702 nội quy, quy trình làm việc an toàn được bổ sung, số còn lại các đơn vị đã khắc phục đúng theo cam kết trong biên bản kiểm tra.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại 432 đơn vị, doanh nghiệp, phát hiện 539 lỗi thiếu sót, tồn tại và vi phạm quy định pháp luật.
Các đoàn kiểm tra đã kiến nghị đơn vị, doanh nghiệp khắc phục ngay thiếu sót tồn tại. Yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động đối với 9 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động chưa được kiểm định an toàn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc tại 54 doanh nghiệp có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp.
Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội kiểm tra 42 doanh nghiệp và 4 công trình xây dựng. Qua công tác kiểm tra đã có 296 kiến nghị khắc phục thiếu sót tại các dự án công trình xây dựng về an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy và đã lập biên bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 nhà thầu, tư vấn giám sát và doanh nghiệp với số tiền là 242 triệu đồng.
Song vẫn còn một số những hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác tuyên truyền về an toàn lao động chưa đạt được theo kế hoạch, nhận thức của nhân dân, người lao động còn hạn chế.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng chưa quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động nhất là khối hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể…
Trước những thực tế trên, năm 2021, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là đối tượng lao động không theo hợp đồng lao động (lao động tự do), làng nghề và người lao động làm việc trong môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.
Ngoài ra, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm. Xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và của công dân.