Thanh Hóa:

Gỡ "nút thắt" giúp hướng dẫn viên tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

Bình Minh

(Dân trí) - Do đại đa số hướng dẫn viên du lịch hiện nay là tự do nên không đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho biết đã tìm ra cách gỡ khó cho vấn đề này.

Gỡ "nút thắt"

Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19, trong đó hướng dẫn viên là nhóm đối tượng nằm trong 12 nhóm chính sách sẽ được nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để đối tượng này tiếp cận gói hỗ trợ là phần lớn hướng dẫn viên làm tự do, hợp đồng thời vụ và hợp đồng theo tour. Không những vậy, họ không là thành viên của bất kỳ tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn viên.

Theo anh Lê Sỹ Tâm, Phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Thanh Hóa, đại đa số hướng dẫn viên không đủ điều kiện trợ cấp hầu hết là dạng tự do. Nghề mang tính đặc thù nên không có lương cố định theo tháng như những ngành nghề khác.

"Hướng dẫn viên tự do thì không có hợp đồng lao động. Nhiều người cũng không là thành viên của Hiệp hội du lịch Việt Nam. Thực trạng này không chỉ riêng Thanh Hóa mà ở hầu hết các tỉnh trong cả nước", anh Lê Sỹ Tâm nói.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Thanh Hóa cho biết: "Đối tượng ngoài thẻ hành nghề hướng dẫn viên, thì chỉ cần có một trong 2 điều kiện là có hợp đồng với công ty hoặc có thẻ hội viên Hiệp hội du lịch Việt Nam".

Gỡ nút thắt giúp hướng dẫn viên tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - 1

Hướng dẫn viên du lịch ở Thanh Hóa làm việc thời kỳ chưa giãn cách.

Thế nhưng, nghề này có đặc thù riêng nên đa số hướng dẫn viên làm tự do. Bên cạnh đó, nhận thức của mỗi hướng dẫn viên cũng khác nhau, vì vậy nhiều người cũng không tham gia hiệp hội. Như vậy, nếu căn cứ vào điều kiện trên thì đại đa số không đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, để đảm bảo quyền lợi cũng như không thiệt thòi cho hướng dẫn viên, Sở VH-TT&DL đã tìm hướng tháo gỡ bằng cách tuyên truyền, động viên để hướng dẫn viên tham gia là thành viên của Hiệp hội du lịch.

"Trong thời điểm dịch bệnh như thế này, để họ ký hợp đồng với một đơn vị nào đó lâu dài thì khó. Bởi vậy, phương án duy nhất là họ phải tham gia vào hiệp hội. Do gói hỗ trợ kéo dài đến đầu năm sau nên các hướng dẫn viên vẫn sẽ có cơ hội để tiếp cận", bà Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định.

Cũng theo Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nếu hướng dẫn viên không tham gia hiệp hội thì Sở sẽ hướng dẫn họ làm thủ tục để nhận trợ cấp theo dạng lao động tự do. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ được địa phương cân đối ngân sách hỗ trợ và hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang lên phương án dự thảo.

"Động viên tinh thần chúng tôi"

Chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, gần 2 năm nay, hàng loạt hướng dẫn viên du lịch của tỉnh đã bị thất nghiệp, nguồn thu nhập từ nghề trở về con số 0.

Tại di sản Thế giới Thành nhà Hồ đã tạm dừng đón tiếp khách từ ngày 7/5/2021 cho đến nay, đồng nghĩa các hướng dẫn viên du lịch tại đây không có việc làm

Gỡ nút thắt giúp hướng dẫn viên tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - 2

Từ đầu tháng 5 đến nay, di tích Thành nhà Hồ đã đóng cửa, hướng dẫn viên phải nghỉ việc không lương.

Chị Đỗ Thị Xuân Thanh (SN 1987) về làm hướng dẫn viên du lịch ở Thành nhà Hồ từ năm 2011. Thời điểm hiện tại, chị vẫn là nhân viên hợp đồng. Từ 2020 đến nay, khu di tích này đóng cửa 2 lần, đợt này đóng cửa từ đầu tháng 5/2021. Những hướng dẫn viên như chị Đỗ Thị Xuân Thanh phải nghỉ việc không lương, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Khi nắm được thông tin trong Nghị quyết 68 của Chính phủ có đối tượng người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được hưởng hỗ trợ, chị và đồng nghiệp rất phấn khởi.

"Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều so với thiệt hại dịch bệnh mang lại. Tuy nhiên, chính sự quan tâm kịp thời, đúng mức của Đảng, Nhà nước đã tiếp thêm động lực để chúng tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, chờ đến khi ngành du lịch phục hồi trở lại", chị Đỗ Thị Xuân Thanh chia sẻ.

Theo chị Triệu Thị Hương (SN 1987, hướng dẫn viên du lịch tại Thành nhà Hồ), ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến 2 năm nay không có khách đến tham quan, thu nhập bị hạn chế, cho đến nay thì đóng cửa. Anh chị em hướng dẫn viên phải nghỉ việc không lương, phải chật vật mưu sinh bằng những nghề khác.

Sau khi nhận quyết định được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, chị cũng rất xúc động.

"Đây là sự hỗ trợ, động viên kịp thời của Chính phủ đối với đội ngũ hướng dẫn viên. Đây cũng là động lực để chúng tôi quay lại với nghề, đảm bảo nguồn nhân lực của ngành du lịch sau khi dịch được khống chế", chị Triệu Thị Hương nói.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có 6 hồ sơ được duyệt đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có 3 hồ sơ đã được tỉnh ra quyết định hỗ trợ với kinh phí 11.130.000 đồng.

Trên địa bàn tỉnh có tổng 229 hướng dẫn viên có thẻ (trong đó 33 thẻ đã hết hạn). Sở dự kiến có 228 hướng dẫn viên được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, kinh phí hỗ trợ là 845.880.000 đồng.