(Dân trí) - Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Ngành Lao động - Thương binh và xã hội (28/8/1945-28/8/2021) trùng vào thời điểm toàn ngành đang "căng mình" nỗ lực giúp người dân vượt khó khăn do Covid-19 gây ra.
Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Ngành Lao động - Thương binh và xã hội (28/8/1945-28/8/2021) trùng vào thời điểm toàn ngành đang "căng mình" nỗ lực giúp người dân vượt khó khăn do Covid-19 gây ra.
Bên cạnh việc đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên của ngành, một trong những mục tiêu chính trong lúc này mà ngành đang tập trung là việc dồn sức thực hiện tốt việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Ngay tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về tình hình triển khai chính sách từ Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, diễn ra hôm 26/8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã lưu ý với các sở LĐ-TB&XH những điểm cốt yếu trong thực hiện.
"Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới đời sống việc làm và cuộc sống thường ngày người lao động. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng ta huy động toàn xã hội chăm lo người nghèo, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc…" - Bộ trưởng bày tỏ.
Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH tới thời điểm này cho thấy, về cơ bản, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 và ban hành đầy đủ các kế hoạch và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Công tác phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp ngành, trong đó phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp cơ sở.
Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phía nam, số lao động bị mất việc làm, ngừng việc lớn. Lao động tự do gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động kết nối cung cầu lao động gặp khó khăn do hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 và tâm lý lo ngại sinh sống ở nơi có dịch.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau. Do đó chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.
Nhằm đẩy nhanh hơn nữa công tác hỗ trợ người dân, người lao động tiếp cận với chính sách của Nghị quyết 68 và Quyết định 23, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các tỉnh, thành các địa phương rà soát ngay 12 chính sách hỗ trợ, chính sách nào đã được thực hiện rồi, chính sách nào chưa thực hiện và nguyên nhân. Các chính sách nào đã thực hiện nhưng chưa đạt thì cần tập trung giải quyết.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ thành lập khoảng 20 đoàn kiểm tra tới các địa phương để tăng cường việc giám sát, hỗ trợ công tác triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Với các địa phương đang thực hiện giãn cách, lãnh đạo Bộ đề nghị tại các "vùng đỏ" hoặc "vùng cam", công tác hỗ trợ sẽ tập trung nhiều vào cái ăn, cái mặc. "Vùng xanh" thì đẩy nhanh 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Còn các địa phương tình hình ổn hơn, cần triển khai dứt điểm chính sách hỗ trợ tiền mặt.
Nhằm bám sát công tác triển khai chính sách, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các sở cần tham khảo các làm của TPHCM và Bình Dương. Đồng thời chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong Nghị quyết 68.
Bởi doanh nghiệp là nơi tạo ra việc làm cho người lao động, nếu không giúp doanh nghiệp gỡ rối và đảm bảo hoạt động ổn định thì khả năng phục hồi cơ hội việc làm cho người lao động rất khó.
Bộ trưởng gợi ý với các giám đốc sở LĐ-TB&XH: "Nếu cần, chúng ta tạm thời là người đi xin việc cho dân. Mà xin việc cho dân, cho người lao động thì có gì mà xấu hổ? Doanh nghiệp cần gì, chúng tôi sẽ giúp để tạo điều kiện cho người lao động?".
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 26/8, hàng chục triệu người dân và người lao động đã được thụ hưởng chính sách từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23:
Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.200 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Hơn 260 đơn vị sử dụng lao động cho 45.000 người lao động, đã được áp dụng chính sách hỗ trợ với tổng số tiền tạm dừng đóng trên 293,6 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Các tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho 89.400 người lao động và thực hiện chi trả cho trên 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 174,7 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc. Các tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho trên 5.600 người lao động và thực hiện chi trả cho gần 3.000 lao động ngừng việc với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 4,3 tỷ đồng.
Trong thực hiện chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em. Các tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn 96.300 đối tượng, trong đó có 27.500 người là F0 và 121.200 người là F1 và hỗ trợ thêm cho trên 6.000 trẻ em. Đã chi trả tổng số tiền ăn hỗ trợ là trên 117,8 tỷ đồng và hỗ trợ bổ sung cho trên 3.600 trẻ em.
Với nhóm chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh. Các tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ gần 38.300 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho gần 26.800 hộ với tổng số tiền hỗ trợ là gần 74,5 tỷ đồng.
Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện phê duyệt cho vay 372 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn với số tiền gần 191 tỷ đồng để trả lương cho 55.384 lượt người lao động.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Các tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách trên 2,4 triệu lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác và đã chi trả hỗ trợ gần 1,2 triệu người lao động tự do, với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng; hỗ trợ gần 700 nghìn đối tượng đặc thù với kinh phí trên 731 tỷ đồng…