Gian nan hành trình đi tìm đồng đội trên đất "Triệu Voi"
(Dân trí) - Mỗi năm một chuyến đi đến những cánh rừng sâu đầy gian khổ, hiểm nguy, thế nhưng các cán bộ chiến sĩ quy tập đều chung quyết tâm đưa được các anh về yên nghỉ trong lòng đất mẹ…
Gian truân đưa các anh trở về
Cứ vào tháng 10 hàng năm, khi mùa khô ở Lào bắt đầu cũng là lúc Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa lại hành trình đi tìm liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ngã xuống trên đất bạn Lào.
Lên đường vào tháng 10 thì phải tận tháng 4 năm sau, đoàn công tác mới trở về. Mỗi một chuyến đi là một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt, đè lên vai người lính quy tập trách nhiệm nặng nề.
Bước chân của họ đã đi khắp các cao điểm, những trận địa tại tỉnh Hủa Phăn mà chỉ nhắc tới từng bản làng đã thấy sự khúc khủyu, hiểm nguy, xa xôi...
"Có những cung đường chỉ dài 10 km nhưng đoàn phải đi 2 ngày, thậm chí 3-4 ngày mới đến nơi. Lúc lên thì người đi trước kéo người đi sau, lúc xuống chân của người sau đạp lên vai người xuống trước. Anh em trượt ngã, bong gân, trật khớp… là chuyện bình thường.
Nhiều điểm đến không có nước, anh em phải đào hố, gạn bùn ra lấy nước để dùng. Nồi cơm nấu bằng thứ nước ấy sẫm đen, mùi bùn át hết cả hương vị hạt gạo quê hương", Thiếu tá Nguyễn Khắc Lãm - Đội quy tập, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Vừa trở về trong chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ, Thượng tá Lê Hữu Hưng - Đội trưởng Đội quy tập tỏ ra tiếc nuối, kể: "Địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nguy hiểm nhưng anh em không ngại, chỉ mong làm sao tìm và đưa các anh, các bác trở về với quê cha đất mẹ. Vừa rồi đội tiếp nhận thông tin một cụ người Lào hơn 90 tuổi cung cấp về vị trí chôn cất liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Anh em thay nhau cáng cụ hàng chục cây số đường rừng vào tận nơi nhưng địa hình, địa vật thay đổi, rất tiếc chuyến đi không có kết quả".
"Nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã bị ốm đau, sốt rét ác tính hành hạ nhiều ngày, bị ruồi vàng, bọ chó cắn, sau 2 đến 3 năm các vết thương vẫn còn tái phát. Nhiều hôm mắc kẹt giữa rừng, chỉ ăn cơm với lá lốt, rau tàu bay, hoa chuối… Gian khổ là vậy nhưng anh em vẫn luôn động viên nhau vượt khó khăn, thiếu thốn để tìm các anh, các bác", Trung tá Đỗ Văn Hóa - Phó Đội trưởng Đội quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa nói.
Những câu chuyện tâm linh và quả đồi có 186 bộ hài cốt
Trong hành trình đi tìm đồng đội, có những chuyện chính các anh cũng không thể lý giải được. Thiếu tá Nguyễn Khắc Lãm vẫn nhớ câu chuyện dưới chân núi Pha Thí, thuộc huyện Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn). Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh em khá mệt mỏi, chuẩn bị thu quân về nơi cắm trại.
Đồ đạc đã gói ghém xong thì một đồng chí trong đội phát hiện giữa rừng già trơ trọi cuối đông lại có một bụi tre xanh tốt, đàn chim từ đâu bay tới đậu rợp cành, hót rộn ràng. "Hay dấu hiệu các bác báo cho mình để tìm?", anh em trong đội kháo nhau.
Mặt đất rừng khô đanh nhưng dưới tán tre đất khá mềm và xốp. Chỉ huy hạ lệnh tìm kiếm ở khu vực này. Khi đào lật cả bụi tre, ngay phía dưới là hài cốt của bộ đội tình nguyện được an táng theo đúng nghi thức truyền thống của người Việt Nam.
Chuyến đi vừa qua, theo Thượng tá Lê Hữu Hưng, cuộc tìm kiếm đã đến ngày kết thúc, một đoàn đã rút trước, đoàn còn lại ở lại rà soát thêm một lần nữa. Một đồng chí đêm ngủ thấy có người báo mộng, chỉ chỗ an táng hài cốt. Sáng hôm sau, theo giấc mơ, anh em trong đoàn tìm thấy hài cốt của 2 liệt sĩ, ngay đúng vị trí đã được báo mộng.
"Nhiều nơi, anh em tìm được hài cốt các bác là nhờ bà con dân bản người Lào", Thượng tá Lê Hữu Hưng kể lại.
Mùa khô 2005-2006, theo thông tin người dân bản địa cung cấp, Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã lật tung một quả đồi, đào bới hàng nghìn m3 đất đá. 186 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã được tìm thấy ở đây. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào họ cũng may mắn như vậy.
"186 bộ hài cốt đi kèm là những kỷ vật như: Khuyên tai, lược, dây chuyền, thắt lưng, giày, tăng võng… vẫn còn vẹn nguyên dù đã được chôn vùi hơn nửa thế kỷ. Có những kỷ vật nằm bên trong phần mộ là chiếc áo len trẻ em đang đan dở; cuộn vải áo màu trắng đã cắt thành áo cho trẻ nhỏ và một cuộn vải quần.
Tuy nhiên, phần lớn hài cốt không xác định được danh tính của liệt sĩ. Các anh là ai? Làm sao để xác định được danh tính để đưa các anh về với mẹ cha, về nơi chôn nhau cắt rốn là trăn trở lớn nhất của người lính làm nhiệm vụ quy tập", Thiếu tá Nguyễn Khắc Lãm bộc bạch.
Tính từ năm 1986 đến nay, Đội quy tập - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã tìm kiếm và quy tập được 2.225 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Trong đó, mới có 126 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính và đưa về địa phương.