1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Giảm giờ làm cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Nhiều quy định mới về giảm giờ làm việc, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế phòng chống dịch Covid-19 được áp dụng từ tuần đầu tháng 4.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 838/QĐ-BYT về hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/4.

Theo đó, ngoài các biện pháp theo từng yếu tố nguy cơ cụ thể, Bộ yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức công việc hợp lý để kiểm soát giảm thiểu nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động trong phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm: Bố trí làm việc từ xa, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế từ xa; thay thế những yếu tố rất có hại bằng những yếu tố ít hại hơn như lựa chọn phương tiện bảo vệ cá nhân, hóa chất khử khuẩn dùng trong gia dụng và y tế đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại cho nhân viên y tế.

Đồng thời cần giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ giải lao cho nhân viên y tế khi mặc đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân làm việc trong môi trường nóng; giảm căng thẳng và mệt mỏi cho nhân viên y tế bằng cách luân phiên ca làm việc, luân chuyển nhân viên y tế từ vị trí làm việc rất căng thẳng xuống vị trí ít căng thẳng hơn...

Đảm bảo nhân viên y tế được chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng khi bị lây nhiễm SARS-CoV-2, bị bạo hành, quấy rối hoặc có các rối loạn về sức khỏe tâm thần (căng thẳng, lo âu, trầm cảm, vv.), bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Các cơ sở y tế cần thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho nhân viên y tế khi tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật hiện hành (chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; phụ cấp độc hại nguy hiểm; phụ cấp phòng chống dịch; bồi dưỡng bằng hiện vật đối với nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân…).

Quyết định cũng yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp dự phòng cho nhân viên y tế, như: Uống nước thường xuyên để tránh mất nước; cung cấp đủ nước uống, nước điện giải hoặc nước uống bổ sung muối trong thời gian nghỉ ngơi; sắp xếp đủ thời gian nghỉ và phục hồi sức khỏe cho nhân viên y tế; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho nhân viên y tế về các biểu hiện/triệu chứng căng thẳng nhiệt và các biện pháp dự phòng; cách sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đúng cách và phù hợp với công việc.

Đồng thời rút ngắn thời gian làm việc tối đa là 1 giờ so với thời gian làm việc thông thường khi nhân viên y tế mặc đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân làm việc. Ví dụ: Thời gian làm việc thông thường vào buổi sáng là 4 giờ, khi mặc phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ thì cho phép nhân viên y tế nghỉ sớm tối đa 1 giờ…

400 nhân viên y tế xin nghỉ việc

Hôm 4/4, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức họp báo về tình hình dịch bệnh. Cũng trong cuộc họp, Sở cũng thông tin về 400 nhân viên y tế nghỉ việc trong 3 tháng đầu năm 2022.

Theo Sở Y tế, nhân viên y tế nghỉ việc ở các bệnh viện có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề lương bổng. Sau đợt dịch Covid-19, nhân viên y tế bị giảm thu nhập nên tình trạng nghỉ việc là điều khó tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế TPHCM đã tham mưu cho thành phố các chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến cơ sở.