1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giai đoạn 2011-2015: 140.000 người khuyết tật được học nghề và tạo việc làm

(Dân trí) - Đây là số liệu được công bố tại Lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện tại Hà Nội chiều 18/1. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo chương trình.


Lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về NKT VN

Lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về NKT VN

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, trong khoảng 140.000 người khuyết tật nêu trên, có gần 100.000 người được hỗ trợ dạy nghề, trên 2.500 người khuyết tật được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và gần 40.000 người được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm...

Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 6/10/2015. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền là Chủ tịch Ủy ban.

Với nhiệm vụ được Thủ tưởng phân công, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam sẽ là cơ quan điều phối, tổ chức nhiều hoạt động nhằm năng cao hiệu quả hoạt động và sự hòa nhập của người khuyết tật với cộng đồng.

Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người khuyết tật.

Theo đó, Ủy ban nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện công tác người khuyết tật; Chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chương trình, đề án thực hiện công tác người khuyết tật; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Luật Người khuyết tật…

Trong nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2016-2020, Ủy ban đặt mục tiêu rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ chính sách đối với cán bộ hỗ trợ người khuyết tật, nhân viên làm công tác xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chính sách cho người khuyết tật; quy hoạch hệ thống các trung tâm trợ giú người khuyết tật; tăng cường các giải pháp giúp người khuyết tật tham gia các công trình giao thông, công cộng...

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Người khuyết tật dù bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng có tâm hồn cao đẹp, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Họ đã giúp chúng ta hiểu thêm những điều có ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống. Vì vậy, chúng ta phải cùng nhau làm nhiều việc tốt hơn để chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, nhất là những nạn nhân chiến tranh”.

Phân tích sâu về sự hỗ trợ đối với người khuyết tật, Phó Thủ tướng nói: Không chỉ là dùng nguồn lực vật chất mà quan trọng hơn là suy nghĩ là thái độ, là sự tôn trọng, sẻ chia, là tình yêu thương con người. Chúng ta cần tiếp sức cho những người khuyết tật vượt qua sự tự ti, tâm lý an phận, thậm chí buông xuôi.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8 % dân số. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm 28,9 %, người khuyết tật là nữ giới chiếm 58 %, người khuyết tật là trẻ em chiếm 28,3%. Bộ LĐ-TB&XH dự báo, số lượng người khuyết tật trong những năm tới sẽ gia tăng do xu hướng già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Hoàng Mạnh