"Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em một phần do mặt trái của công nghệ"
(Dân trí) - "Mặt trái trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ xâm hại tình dục", Thứ trưởng Bộ LĐ-Tb&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nêu nhận định trên tại hội thảo khu vực về "thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em ASEAN" diễn ra ngày 19/4 ở Hà Nội.
Hội thảo với sự tham gia của các đại biểu đến từ các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines..., các cơ quan đầu mối về chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em của các nước trong khu vực ASEAN.
Theo Thứ trưởng Hà, các vụ xâm hại tình dục trẻ em trong khu vực ASEAN không những gia tăng về số lượng mà ngày càng trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây do hạn chế về nhận thức của cộng đồng, mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
"Chúng ta đều biết rằng, xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ, có thể kéo dài nhiều năm trong cuộc đời", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ dẫn báo cáo "Hành động để chấm dứt xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em" của UNICEF, hàng năm có hàng triệu trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó, cứ 20 trẻ em gái từ 15 đến 19 thì có 1 trẻ em gái đã từng bị xâm hại tình dục.
Theo đó, trẻ em đã từng bị xâm hại tình dục cũng có nguy cơ cao bị xâm hại lại trong tương lai và có thể trở thành những kẻ xâm hại trẻ em.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC), các nước thành viên ASEAN đã và đang nỗ lực vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đảm bảo quyền được sống, tồn tại và phát triển của trẻ.
Bên cạnh những khoảng trống về mặt pháp lý, nguồn lực, một trong những thách thức mà các nước thành viên ASEAN phải đối mặt trong việc thực hiện phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bên liên quan.
Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt giữa ngành giáo dục, y tế, tư pháp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao, dẫn đến chưa huy động được sức mạnh của các ngành, các cấp vào công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Do đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao sáng kiến thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em.
"Cơ chế phối hợp liên ngành nhằm giải quyết tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, từ đó tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, hướng tới một khu vực ASEAN phát triển, lấy con người là trung tâm, lấy đầu tư cho trẻ em là động lực phát triển đảm bảo gắn kết và chủ động thích ứng", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho hay.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC), Ban Thư ký ASEAN và gửi lời cảm ơn chân thành tới Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cũng như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức phi chính phủ và dân sự đã dành sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và tài chính cho các hoạt động về thúc đẩy quyền của trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục nói riêng.
"Tôi hy vọng có nhiều hoạt động hợp tác và hỗ trợ hơn nữa đối với những dự án về quyền của trẻ em trong ASEAN và ở từng quốc gia thành viên trong thời gian tới, nhằm đảm bảo rằng mỗi trẻ em sẽ được hưởng đầy đủ các quyền như đã được quy định trong Công ước về quyền trẻ em, vì một Cộng đồng ASEAN không bỏ ai lại phía sau", Thứ trưởng Hà nói.