Đắk Nông:

"Gắn công tác giảm nghèo với trách nhiệm người đứng đầu các cấp"

Dương Phong

(Dân trí) - Chiều ngày 7/4, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về công tác thực hiện chính sách giảm nghèo, lao động và việc làm.

Hộ nghèo giảm hơn 12%

Theo báo cáo của tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo của tỉnh này có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 12,28% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015. 

Số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm hơn 90.000 lượt người. Công tác đào tạo nghề gắn với mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Nhiều lao động đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh này đã đạt được giai đoạn 2016-2020, nhất là tỷ lệ giảm nghèo rất ấn tượng, rất quyết tâm.

Gắn công tác giảm nghèo với trách nhiệm người đứng đầu các cấp - 1

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc tại Đắk Nông

Có được kết quả đó là nhờ địa phương rất chú trọng đến việc xây dựng nghị quyết về chính sách đặc thù của địa phương. Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt nhiều kết quả, đặc biệt là dự án về cơ sở hạ tầng và an sinh cho người dân.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và khuyến khích người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tư tưởng ỷ lại mà phải biết vươn lên.

"Với nhiều tiềm năng và thế mạnh vốn có, tỉnh cần quan tâm lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, vốn đầu tư lớn để nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, tỉnh cũng cần học hỏi kinh nghiệm thoát nghèo của một số tỉnh thành khác, gắn việc thực hiện giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp địa phương, giúp cho người dân có kiến thức để làm kinh tế", Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị.

Làm rõ còn nguyên nhân gì khiến dân nghèo?

Cùng ngày, Đoàn công tác của Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo cũng làm việc với UBND huyện Đắk G'Long (tỉnh Đắk Nông). Đây là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Đắk Nông.

Theo đánh giá, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã góp phần tích cực vào việc tăng cường năng lực cho người dân, tăng nguồn thu nhập trong sản xuất, cải thiện mức sống cho người dân huyện Đắk G'Long.

Gắn công tác giảm nghèo với trách nhiệm người đứng đầu các cấp - 2
Chánh VP Quốc gia về Giảm nghèo kiểm tra công tác giảm nghèo tại huyện Đắk G'Long.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Huyện ủy Đắk G'Long, công tác giảm nghèo còn khó khăn và vấn đề quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân. Lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ không chịu "thoát ly" khỏi nông nghiệp.

Trước thực tế đó, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đề nghị huyện Đắk G'Long phải xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hộ nghèo ở địa phương. "Người dân nghèo về nguyên nhân gì, địa phương nghèo là do đâu ?"

Ngoài ra, trong xây dựng kế hoạch giảm nghèo, huyện Đắk G'Long cũng cần xác định rõ chỉ tiêu phấn đấu, mục tiêu cần làm trong giai đoạn tới, càng cụ thể, chi tiết, rõ ràng thì hiệu quả thoát nghèo càng cao.

"Khi có nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh, huyện Đắk G'Long cần tranh thủ, tập trung đầu tư để phục vụ sản xuất một cách trọng tâm, trọng điểm và giải quyết nhu cầu thực tế của người dân", ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo nhấn mạnh...