1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Lắk:

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ kinh nghiệm khuyến khích dân thoát nghèo

Thúy Diễm

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho rằng cần khuyến khích người dân đăng ký thoát nghèo, nếu cuối năm đạt được, việc thoát nghèo sẽ được thưởng và có các chính sách hỗ trợ để an tâm sản xuất.

Công tác giảm nghèo của Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn

Ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác đã làm việc cùng UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở LĐ-TB&XH để kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách, chương trình về giảm nghèo, lao động, việc làm của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đã có báo cáo với Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH về công tác thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh Đắk Lắk giảm xuống còn 7,91%, giảm 11,46% so với cuối năm 2015. Đạt bình quân 2,29%/năm (kế hoạch HĐND tỉnh giao 2,87%/năm) không đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm xuống còn 27,67%, bình quân cả giai đoạn giảm 5,59%.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH chia sẻ kinh nghiệm khuyến khích dân thoát nghèo - 1
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh trực tiếp kiểm tra việc thực hiện chương trình giảm nghèo tại xã nghèo của huyện Lắk.

Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo của tỉnh chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao do những rủi ro bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, giá cả biến động, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường…

Theo Nghị quyết 80/NQ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi, tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết cho vay đối với trên 251.000 lượt hộ nghèo và gia đình chính sách. Tuy nhiên, nguồn vốn vay còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.

Ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk - thừa nhận, công tác giảm nghèo của địa phương không đạt được kế hoạch HĐND tỉnh đề ra do nhiều lý do như: Lượng đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào rất đông theo từng năm, tỉnh không có nhiều quỹ đất sản xuất, tác động của dịch Covid-19...

"Có một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để con cái học hành được hưởng chính sách, để hưởng BHYT. Thậm chí, có tình trạng cán bộ, lãnh đạo giữ lại hộ nghèo để được hưởng chương trình 135, để được đầu tư hạ tầng và việc đánh giá, rà soát hộ nghèo vẫn có trường hợp đưa người nhà vào để hưởng chính sách của nhà nước", ông Hùng thông tin.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH chia sẻ kinh nghiệm khuyến khích dân thoát nghèo - 2

Buổi làm việc bàn nhiều khó khăn trong việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk.

Khuyến khích người dân đăng ký thoát nghèo

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng có nhiều lý do khiến tình trạng hộ nghèo ở Đắk Lắk, như: "Thiếu đất sản xuất, sản xuất manh mún thiếu các mô hình tiêu biểu. Công tác đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động còn hạn chế. Tình hình hạn hán, biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất nông nghiệp…".

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH chia sẻ kinh nghiệm khuyến khích dân thoát nghèo - 3
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ về nhiều kinh nghiệm giúp người dân có thể thoát nghèo.

Theo ông Đức, chương trình giảm nghèo mới sẽ giải quyết yếu điểm và cần lựa chọn những chương trình, nội dung trọng tâm, thiết yếu, đem đến sự chuyển biến cải thiện đời sống, giải quyết thuận lợi.

Đối với nguồn vốn đảm bảo 50% đầu tư hạ tầng xã hội và 50% đầu tư trực tiếp cho người nghèo (sinh kế, tạo việc làm…), giảm tối đa việc đầu tư dàn trải nhưng không có hiệu quả như trước đây.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh để thoát nghèo cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, trách nhiệm cho người đứng đầu của các cấp có vai trò quan trọng trong việc thoát nghèo bền vững.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cần tạo sinh kế việc làm để người dân có thu nhập mới thoát được nghèo, giúp doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm cho người dân, phát triển hệ thống hợp tác xã kết nối cung cầu để người dân an tâm sản xuất…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ kinh nghiệm khi còn giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai đăng ký thoát nghèo.

"Nếu người đến đăng ký cuối năm thoát được nghèo sẽ thưởng 5 triệu tiền mặt, cho tiếp tục cho vay như hộ nghèo và cho hưởng chính sách hộ nghèo thêm 1 năm nữa, hỗ trợ về cây trồng vật nuôi khoảng 5 triệu cho bà con. Chúng ta cần tác động tạo khí thế, khuyến khích người dân thoát nghèo", Thứ trưởng gợi ý.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH chia sẻ kinh nghiệm khuyến khích dân thoát nghèo - 4

Người dân Đắk Lắk chủ yếu sinh sống bằng nghề nông do đó giá cả bấp bênh là một trong nguyên nhân khó thoát nghèo.

Riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thứ trưởng lưu ý cần giải quyết các vấn đề khó khăn, xác định được ý nghĩa của chương trình để xác định điểm nghẽn là gì? Để có sự tháo gỡ và tập trung vào đấy.

"Cách làm không nên dàn trải và chồng chéo. Tỉnh Đắk Lắk cần lựa chọn phương án phù hợp để triển khai", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1,1 triệu lao động nên việc kết nối với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và liên kết với cả nước để có được việc làm phù hợp. Nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay việc tìm kiếm việc làm sẽ có những thuận lợi nhất định.