Người phụ nữ dân tộc Mạ thoát nghèo nhờ... 50 con gà lai chọi
(Dân trí) - Đoạt giải khuyến khích trong một cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm giảm nghèo, chị H'Lan (Đắk Nông) được hỗ trợ 50 con gà lai chọi. Từ số vốn trên, người phụ nữ dân tộc Mạ đã giúp gia đình thoát nghèo.
"Đi thi lấy kinh nghiệm nuôi gà"
Chị H'Lan sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Khê, vùng đất còn nhiều khó khăn của huyện Đắk G'Long (Đắk Nông). Những năm trước, không chỉ chị mà còn nhiều gia đình khác trong bon đều trong diện hộ nghèo của xã.
"Ngày trước cả gia đình chỉ làm rẫy với đi làm thuê nên không đủ ăn. Nhà đông con, chỉ có hai vợ chồng đi làm nên mấy năm liền là hộ nghèo. Cũng muốn thoát nghèo lắm nhưng không biết làm gì, không có tiền vốn để đầu tư", chị H'Lan nhớ lại.
Năm 2016, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức cuộc thi sáng kiến thoát nghèo. Thấy cuộc thi thiết thực, chị H'Lan (thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'long, tỉnh Đắk Nông) cùng một số phụ nữ trong bon (buôn) B'dơng đăng ký tham gia với mô hình "Phát triển nuôi gà lai chọi". Mục tiêu dự thi của chị chỉ là "lấy kinh nghiệm" về nuôi gà.
Đề tài sau đó được Ban tổ chức cuộc thi trao giải khuyến khích. Chị H'Lan cùng nhóm được hỗ trợ mỗi người 50 con gà lai chọi cùng trang thiết bị, thức ăn để phát triển đề tài.
"50 con gà lai chọi là phần thưởng rất ý nghĩa của giải khuyến khích, động viên chị em quyết tâm vươn lên thoát nghèo", người phụ nữ 41 tuổi nhớ lại bước ngoặt.
Đưa cả nhà thoát nghèo trong 2 năm
Với số vốn ban đầu, 4 thành viên trong nhóm được hỗ trợ mỗi người 50 con gà lai chọi. Sau một thời gian thực hiện, mô hình của chị H'Lan đã tạo ra hiệu quả cao nhất, đưa gia đình thoát nghèo.
Chị Lan kể, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi gà, H'Lan được hỗ trợ giống gà. Hai lứa đầu, hiệu quả chưa cao do chưa có kinh nghiệm. Phải đến lứa thứ 3, mô hình nuôi gà chọi của gia đình mới mang lại lợi nhuận.
"Nuôi gà lai chọi không khó. Chủ yếu là cần chú ý phòng bệnh, làm vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Tôi tận dụng rau, cỏ quanh nhà, trộn với ngô, thóc của gia đình trồng được. Đồng thời cho gà uống nước đầy đủ. Khi gà ốm sẽ không dùng thuốc tây mà sẽ sử dụng lá cây rừng của người đồng bào, nấu nước cho gà uống", H'Lan chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng theo chủ nhân mô hình, gà lai chọi sinh trưởng tốt, mỗi năm chị nuôi từ 3-4 lứa, gà có giá trị thương phẩm sau khi nuôi được 3 tháng 10 ngày. Trước khi gà xuất chuồng khoảng 1 tháng, chị sẽ cho gà ăn cám ngô, trộn với cá ủ lên men để gà chắc thịt. Trong suốt thời gian nuôi không dùng thức ăn tăng trọng.
Sau hai lứa gà đầu tiên, cùng kinh nghiệm thực tế, H'Lan đầu tư mua gà giống và mở rộng chuồng trại để chăn nuôi. Hiện, mỗi lứa chị nuôi từ 400-500 con gà lai chọi cùng gần 500 gà mía thương phẩm. Riêng năm 2020, có thời điểm chị nuôi trên 1.000 con gà lai chọi.
"Năm 2017, sau khi mô hình nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình đã thoát được nghèo. Cùng năm ấy, tôi còn cho con trai đi học Nhạc viện TP.HCM. Bây giờ kinh tế ổn định, mấy đứa con đều được đi học đàng hoàng", chị H'Lan phấn khởi nói về sự thay đổi của gia đình.
Chị H'Lan tự hào, nếu không có Cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm năm 2016 của Bộ LĐ-TB&XH, có khi cuộc sống của gia đình vẫn luẩn quẩn quanh câu chuyện ăn bữa nay, lo bữa mai.
"Từ lợi nhuận từ việc nuôi gà và sản xuất nông nghiệp, tôi đã mở thêm 1 quán cà phê dọc Quốc lộ 28 để khách dừng chân nghỉ ngơi. Từ hiệu quả mô hình, tôi hướng dẫn bà con trong bon cùng làm, mong sao mọi người đều thoát nghèo", trưởng nhóm nuôi gà Đoàn Kết- H'Lan chia sẻ.
Được biết, với vốn kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi gà đúc kết được, chị H'Lan đã nhiệt tình hướng dẫn cho nhiều chị em trong bon cách nuôi gà. Hiện nay, chị đã tập hợp được 11 hộ nghèo trong bon để thành lập nhóm hội cùng tham gia mô hình chăn nuôi gà lai chọi. Gà được bán sỉ với giá từ 50.000- 60.000 đồng/kg, bán lẻ là 80.000- 90.000 đồng/kg.