Gần 500 tỷ đồng xóa cầu gỗ "rung bần bật"
(Dân trí) - Cầu Phú Kiểng dự kiến xây mới trong năm sau với kinh phí gần 500 tỷ đồng để thay thế cây cầu gỗ hiện hữu. Công trình sẽ tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương cho hàng nghìn hộ dân ở Nha Trang.
Cầu gỗ Phú Kiểng dài 250m, rộng 1,5m bắc qua sông Cái, đoạn xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã vận hành nhiều năm qua.
Trước đây, người dân 3 thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 của xã Vĩnh Ngọc muốn vào trung tâm xã để giao dịch, học hành phải đi đường vòng mất khoảng 30 phút.
Trước nhu cầu bức thiết, vào năm 2001, một người dân ở Nha Trang đã đầu tư cầu gỗ Phú Kiểng, thu phí mỗi lượt phương tiện qua lại.
Bảng giá lệ phí, cũng như đối tượng được miễn phí khi qua cầu.
Theo một nhân viên thu phí tại cầu Phú Kiểng, do là cầu tạm, bán kiên cố nên mỗi năm lũ lớn, cây cầu lại bị nước lũ phá hủy, người dân phải vất vả đi đường vòng.
"Lũ về cuốn theo rác, cây gỗ bám vào trụ cầu khiến cây cầu bị hư hỏng. Đến hết mùa mưa, nước cạn mới có thể sửa chữa lại", nhân viên này cho hay.
Để gia cố cho cây cầu, những năm gần đây, trụ gỗ dần được thay thế bằng các trụ bê tông, chằng chống thêm thanh thép.
Mặt cầu cũng được lót thêm những tấm sắt lớn.
Một góc từ trên cao nhìn xuống cầu gỗ Phú Kiểng.
Dù thường xuyên gia cố, nhưng cầu Phú Kiểng vẫn xuất hiện các điểm hư hỏng gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông.
Để tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn cho người dân xã Vĩnh Ngọc, vừa qua, UBND TP Nha Trang đã thông qua chủ trương đầu tư xây cầu mới Phú Kiểng bằng bê tông kiên cố với kinh phí dự kiến 477 tỷ đồng. Cầu mới sẽ thay thế cầu gỗ hiện hữu.
Theo thiết kế, cầu mới có chiều dài 280m, rộng 16m, với chi phí xây lắp khoảng 300 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào giữa năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026.
"Cầu bê tông kiên cố là mong mỏi của hàng nghìn hộ dân Vĩnh Ngọc. Từ đây, người dân không còn phải sợ tiếng rung bần bật mỗi khi đi qua cầu. Có cầu mới, việc đi lại thuận tiện, an toàn, kỳ vọng giao thương cũng phát triển hơn, từ đó, đời sống người dân sẽ được nâng cao hơn", chị Lê Thị Thanh Thúy, người dân địa phương, chia sẻ.