Đắk Nông:
“Dù nghèo tôi cũng không thể để đồng đội nằm lạnh lẽo một mình !”
(Dân trí) - Năm 2006, ông Chung lần đầu tìm kiếm thành công hài cốt liệt sĩ. Kể từ đó, ông cùng gia đình vào Đắk Nông sinh sống, với mong muốn dành hết cuộc đời mình đưa đồng đội trở về nhà.
Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) quê gốc tại tỉnh Thái Bình. Năm 1971, ông tình nguyện tham gia vào quân đội. Sau một khóa huấn luyện cấp tốc, ông được điều động vào chiến trường miền Nam trực tiếp chiến đấu.
Ròng rã 3 tháng 16 ngày hành quân, ngày ấy anh thanh niên Nguyễn Thành Chung chỉ nặng 42kg, nhưng vẫn cùng đoàn quân vượt Trường Sơn, vượt qua hai nước Đông Dương, chi viện cho chiến trường miền Đông Nam bộ.
Năm 1972, ông tham gia vào cuộc chiến đấu ác liệt trong chiến dịch Nguyễn Huệ. Rồi sau đó, ông Chung trở thành bộ đội trinh sát của Tiểu đoàn độc lập số 4, Bộ Tư lệnh miền Đông. Cuối năm 1973, ông tiếp tục cùng đơn vị của mình vượt qua hàng trăm km lên tới mặt trận Quảng Đức - Nam Tây Nguyên (Đắk Nông hiện nay).
Những năm tháng trong quân ngũ, trải qua nhiều trận đánh, ông Chung chứng kiến bao hy sinh mất mát. Thời điểm đó, do đặc thù chiến tranh, những chiến sĩ ngã xuống nơi nào được chôn cất luôn, đa phần là nơi rừng núi, hẻo lánh.
Vì đã trực tiếp chôn cất cho rất nhiều đồng đội, ông Chung đã vẽ lại một sơ đồ nơi đồng đội nằm xuống, với hy vọng sau này hòa bình lập lại, sẽ cùng gia đình đồng đội đi tìm lại hài cốt.
Người cựu chiến binh 70 tuổi bồi hồi nhớ lại, ngày ấy anh Vũ Tá Trường (liệt sĩ) là người bạn cùng tuổi, cùng quê, cùng nhập ngũ và cùng đơn vị chiến đấu với ông. Năm 1973, tại đồi Bù Room (nay là thôn 8, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), anh Trường đã hy sinh trong lúc chiến đấu.
“Năm 2006, từ sơ đồ cũ còn lưu lại, tôi cùng gia đình anh Trường đến khu vực anh nằm, tìm thấy hài cốt, đưa anh trở về quê hương. Ngoài ra, còn 4 liệt sĩ khác cũng được tìm thấy, hiện đã được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông”.
Ông Chung kể lại và cho biết, cũng từ lần tìm kiếm đầu tiên đó, năm 2007 ông đưa cả gia đình về sinh sống tại Đắk Nông, để thuận lợi cho việc tìm kiếm hài cốt đồng đội.
Trăn trở về những người còn nằm lại, ông tâm sự: “Chuyển cả gia đình về đây sinh sống là quyết định khó khăn nhất của cuộc đời mình. Thời điểm đó, nhà tôi rất nghèo, cái ăn cũng phải chạy lo từng bữa, bản thân tôi và con trai đều bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Thế nhưng, hiểu được tâm nguyện của tôi, vợ tôi hết lòng ủng hộ”.
15 năm đưa đồng đội về nhà
Gần 15 năm tham gia cùng cơ quan chức năng, thân nhân các liệt sĩ tìm kiếm hài cốt, với ông Chung mỗi lần thành công lại là một kỷ niệm sâu sắc.
Đôi mắt của người cựu chiến binh rưng rưng xúc động: “Nếu đợi tôi dư giả mới đi tìm đồng đội thì liệu các liệt sĩ có chờ được không khi năm tháng càng dài, vùng đất lại thêm đổi thay? Chính vì thế, sau khi ổn định cuộc sống tại Đắk Nông, tôi bắt tay vào công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, rong ruổi khắp các tỉnh thành, kết nối với các đồng đội còn sống, nối dài những chuyến đi tìm”.
Năm 2017, tại đồi Đạo Trung, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, người cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung đã cùng đồng đội tìm được một khu mộ chôn cất 33 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271. Năm 2019, ông cũng giúp tìm ra 3 hài cốt liệt sĩ khác tại thôn 4, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.
Đặc biệt, từ tháng 6- 8/2020, ông Chung đã cùng đồng đội năm xưa phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông tìm thấy các vị trí chôn cất liệt sĩ tại thôn 8, xã Quảng Tâm.
Đội đã tìm thấy 25 hài cốt liệt sĩ trong vườn cao su. Chính quyền địa phương đã đưa các hài cốt về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk R’lấp.
Nhớ lại hành trình gian nan nhưng đầy ý nghĩa ấy, cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung tâm sự, có những chuyến đi kéo dài cả nửa tháng, ngắn nhất cũng gần 1 tuần lễ. Thế nhưng, bao vất vả, nhọc nhằn sẽ tan biến khi từng lớp đất được lật lên, để lộ những di vật chứng tỏ dưới đó là hài cốt liệt sĩ.
“Chạm tay vào chiếc võng, chiếc tăng, đôi dép, bình đựng nước hay thiêng liêng nhất là chiếc răng, mẩu xương nhỏ còn lại của đồng đội, tôi chỉ biết thốt lên rằng: “Tìm thấy rồi, tìm thấy rồi !””, cựu chiến binh 70 tuổi xúc động nhớ lại.
Còn nữa…