"Đối với trẻ em, không có gì bằng sự chăm sóc của gia đình!"
(Dân trí) - "Với trẻ em không có gì bằng sự chăm sóc của gia đình! Bởi gia đình là trên hết, trước hết đối với trẻ em. Chỉ khi nào gia đình không đảm bảo mới tính phương án khác", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Sáng 22/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội, Tư pháp thực hiện phiên giải trình tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em.
Số vụ bạo lực đối với trẻ em giảm nhưng mức độ phức tạp hơn
Phát biểu mở đầu phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những năm qua việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực về trẻ em được quan tâm hơn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc xử lý tin báo tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với các trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời và nghiêm minh. Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp...
"Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua gây tổn thất nặng nề. Việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đi kèm với áp lực kinh tế, đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em", Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong năm 2021, tổng số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em qua báo cáo và tiếp nhận có giảm. Tuy nhiên, tính chất và mức độ phức tạp hơn, đặc biệt là những ngày cuối năm 2021 xảy ra một số vụ đau lòng, dư luận xã hội rất bức xúc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong dịp Tết vừa qua, sự việc khiến ông đau lòng nhất đó là tình trạng bạo lực đối với trẻ em. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giao cho khối tư pháp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với các đơn vị liên quan trong thời gian tới sẽ tổ chức một số hoạt động chuyên đề xung quanh vấn đề phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Tại phiên giải trình, lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH nhận được những câu hỏi liên quan đến việc chăm sóc trẻ em hậu ly hôn của các cặp vợ chồng và lực lượng làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay như thế nào? Ngoài ra, các đại biểu còn chỉ ra nghịch lý trong năm 2021 vụ việc bạo lực trong gia đình gia tăng khiến dư luận xã hội rất bức xúc.
Phúc đáp câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo Luật Hôn nhân và gia đình, khi vợ chồng ly hôn sẽ thực hiện theo nguyên tắc cơ bản đó là ai chăm sóc tốt nhất cho trẻ em sẽ được ưu tiên; trên cơ sở trao đổi và thỏa thuận giữa 2 bên.
Tuy nhiên, trên thực tiễn nhiều vụ việc bạo lực đối với trẻ em xảy ra sau khi các cặp vợ chồng ly hôn. Cụ thể, 2 vụ việc gần đây nhất ở Hà Nội và TPHCM đều liên quan đến người tình của bố, mẹ các em. "Tòa căn cứ chủ yếu vào sự thỏa thuận và điều kiện cụ thể lúc ly hôn. Vì vậy, những vụ việc vừa qua thì khó có thể biết được hậu quả tiếp theo nó diễn ra như thế nào", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Dung cho biết, đối với các nước họ cũng áp dụng hai điều kiện trên để bố hoặc mẹ được chăm sóc trẻ em sau khi ly hôn. Nhưng nếu thấy cả bố và mẹ không đảm bảo chăm sóc trẻ em thì họ tách quyền trẻ em ra để có cơ quan giám hộ. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được điều này. Do vậy, theo Bộ trưởng, đã đến lúc chúng ta phải "suy nghĩ đến việc này".
"Về nguyên tắc, tôi thấy đã đến lúc chúng ta phải học của các nước. Còn học bằng cách nào, có thể là giám hộ hay đưa vào các cơ sở của nhà nước bảo trợ, nuôi dưỡng thì đấy là vấn đề cần phải bàn. Chúng ta cần phải nói thẳng với nhau, đối với trẻ em không cái gì bằng sự chăm sóc của gia đình. Bởi vì gia đình là cái trên hết, trước hết đối với trẻ em. Chỉ khi nào gia đình không đảm bảo mới thực hiện các phương án khác!", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Chưa bao giờ lực lượng làm công tác trẻ em ít như hiện nay
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Anh về lực lượng công tác chăm sóc trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: "Có lẽ chưa bao giờ lực lượng làm công tác trẻ em ít và mỏng như hiện nay! Đội ngũ làm chuyên trách ở cơ quan cấp nhà nước chỉ có Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), với vài ba chục người, làm đủ thứ việc. Ở tỉnh có Phòng trẻ em nhưng chỉ có vài ba người, huyện thì không có, còn ở cấp xã cũng không có lực lượng chuyên trách về trẻ em".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, do "bí người quá" nên vừa qua các địa phương đã thành lập tổ công tác trẻ em, hội đồng công tác trẻ em, do một lãnh đạo địa phương quản lý.
Làm rõ vấn đề tăng biên chế làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là việc khó vì liên quan đến các quy định về biên chế. Theo Bộ trưởng, cách làm phù hợp trong điều kiện hiện nay là tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, cùng đó là giao trách nhiệm cho một cơ quan chủ trì và quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Đại biểu Lương Văn Huy chỉ ra nghịch lý: Gia đình phải là nơi an toàn nhất đối với trẻ em nhưng trong năm 2021, lại nhiều vụ bạo hành trẻ em từ trong gia đình. Lý giải về vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây bạo lực, xâm hại trẻ em ở xã hội, nhà trường nhiều hơn. Nhưng năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cách ly và giãn cách xã hội các em không được đến trường mà chủ yếu học tập ở nhà. Do vậy, các vụ bạo lực chủ yếu xảy ra trong gia đình.
Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em
Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, trong năm 2021, Bộ đã kịp thời phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em; chủ động, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết vụ việc bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch bệnh Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế như tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ xâm hại nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.
Nêu rõ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đối với nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, Bộ sẽ phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Tham mưu ban hành chính sách, giải pháp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trẻ em di cư, trẻ em phải tách khỏi gia đình do bị bạo lực, xâm hại…