Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: Chung tay nghiêm trị nạn bạo hành trẻ em
(Dân trí) - Nói về công tác phối hợp chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà hy vọng toàn xã hội sẽ chung tay đẩy lùi, nghiêm trị nạn bạo hành trẻ em.
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, mấy ngày gần đây dư luận sục sôi trước thông tin cháu bé tại TPHCM bị nhân tình của bố bạo hành đến tử vong. Ngay sau đó, vụ bạo hành thương tâm cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất (Hà Nội) lại nổi lên như là một điểm nóng tiếp theo, thu hút sự chú ý của dư luận.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2021, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Cục Trẻ em chiều 26/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Hà cho rằng, bạo hành trẻ em, các vụ bạo lực liên quan đến trẻ em ở gia đình đã để lại hậu quả nghiêm trọng hơn vì thông tin chưa đến được cơ quan chức năng.
Thứ trưởng khẳng định, các cơ quan bảo vệ trẻ em và toàn xã hội cần chung tay tố giác, ngăn chặn và chống lại hành vi bạo hành trẻ em và quan tâm đến lĩnh vực này nhiều hơn nữa.
Theo Thứ trưởng Hà, các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình, điều này xuất phát từ nền tảng văn hóa gia đình, nền tảng đạo đức xã hội. Nhiều người bậc cha, mẹ hoặc người lớn còn có sống ích kỷ, bạo lực, ít có sự cho đi, đồng cảm và yêu thương. Chính vì vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chống lại bạo hành, xâm hại là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, trẻ em dễ trở thành đối tượng chịu tác động nhiều hơn cả. Trước mắt, trẻ em bị tác động đến dinh dưỡng, sức khỏe khi đời sống kinh tế nhiều gia đình ảnh hưởng. Điều đáng lo ngại hơn là trẻ em khi đi cách ly, bị tách khỏi gia đình. Việc học trực tuyến đối với lứa tuổi nhỏ cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, kiến thức và để lại hệ quả lâu dài.
Theo bà Hà, các ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần quan tâm chăm sóc hơn nữa đến sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên và việc này cần triển khai sớm hơn.
Theo báo cáo của Cục Trẻ em, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế xã hội trong nước, trong đó có công tác trẻ em: Đe dọa sự sống còn, sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn cho trẻ em do bị tách rời khỏi cha mẹ, người chăm sóc. Đại dịch còn gây gián đoạn trong học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm thần, sự an toàn của trẻ em.
Đại diện Cục Trẻ em khẳng định, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến an sinh và sự phát triển của trẻ em do hàng triệu hộ gia đình có trẻ em bị đe dọa về kinh tế và có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói, tái nghèo.
Được biết, trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ 1 triệu đồng/cháu. Tính đến hết ngày 31/12/2021, cả nước có khoảng 52.800 trẻ em là đối tượng F0 được hỗ trợ bổ sung với mức trên.
Về hỗ trợ trẻ em bị mồ côi do Covid-19, theo Cục Trẻ em, tính đến ngày 6/1/2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 46 tỉnh thành, hỗ trợ cho hơn 2.968 trẻ mồ côi vì Covid-19, 481 trẻ sơ sinh là con sản phụ bị mắc Covid-19.
Về vấn nạn bạo hành, Cục Trẻ em dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết: Năm 2021, cả nước phát hiện hơn 1.900 vụ xâm hại trẻ em. Ngoài vấn nạn bạo hành, Tổng đài điện thoại quốc gia về chăm sóc trẻ em đã tiếp nhận hơn 458 cuộc gọi liên quan đến môi trường mạng, tăng gấp đôi so với năm 2020. Số lượt thông báo về kênh clip có nội dung liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là 132 lượt, tăng hơn 5 lần so với năm 2020.