Đối thoại với phụ nữ dân tộc thiểu số về bình đẳng giới

Tiến Thành

(Dân trí) - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại chính sách với nội dung bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện kế hoạch tổ chức hoạt động đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, mới đây tại UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách với nội dung bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội nghị diễn ra vào ngày 30/11 vừa qua.

Quá trình đối thoại diễn ra trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cầu thị, tôn trọng, lắng nghe. Các hội viên phụ nữ đã bày tỏ nhiều tâm tư nguyện vọng; đặt các câu hỏi liên quan đến công tác thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp đồng hành cùng phụ nữ trước nạn bạo hành cũng như các chính sách dành cho phụ nữ...

Đối thoại với phụ nữ dân tộc thiểu số về bình đẳng giới - 1

Hội viên phụ nữ đặt câu hỏi tại cuộc đối thoại diễn ra vào ngày 30/11 vừa qua (Ảnh: Hội Phụ nữ Quảng Bình).

Tại buổi đối thoại, các hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Lâm Thủy đã được đại diện các đơn vị, đoàn thể liên quan giải đáp đầy đủ những thắc mắc, trăn trở; đồng thời hướng dẫn các quy trình, thủ tục, quy định cụ thể về các chính sách để chị em phụ nữ hiểu, chủ động thực hiện. Góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ.

Tổ chức đối thoại là hoạt động được Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình triển khai thường xuyên nhằm nắm bắt, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, ghi nhận kiến nghị, phản ánh của phụ nữ đối với những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương còn bất cập trong giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có công tác bình đẳng giới.

Qua đó cũng sẽ tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương; từ đó nâng cao năng lực, nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng, góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên vào quá trình xây dựng và thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.