Đổi mới cho quyền bình đẳng và hòa nhập của người khuyết tật
(Dân trí) - Phần lớn người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, cuộc sống khó khăn. Bên cạnh sự quan tâm, trợ giúp từ cộng đồng, cộng đồng người khuyết tật không cam chịu, đã chủ động vươn lên trong cuộc sống.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật và diễn đàn "Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật" diễn ra sáng 1/12 tại Hà Nội.
Sự kiện do Ủy Ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với chương trình phát triển của Liên hợp quốc và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, nhiều năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người khuyết tật đã từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.
Người khuyết tật được nâng cao năng lực, hòa nhập xã hội; quyền của người khuyết tật từng bước được thực thi… Sự quan tâm đó được thể hiện bằng các chính sách pháp luật đối với người khuyết tật.
"Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật tương đối đầy đủ so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng như trong khu vực", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương.
"Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.
Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật Việt Nam đã không cam chịu, chủ động vươn lên trong cuộc sống", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi chia sẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác trợ giúp người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật.
"Vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.
Trong những năm tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bổ sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm…
Một số khó khăn đã được thẳng thắn chỉ ra như: Hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đầy đủ, tuy nhiên có những quy định không còn phù hợp thực tiễn, cần sửa đổi; một số quy định còn thiếu, cần sớm được nghiên cứu, rà soát để bổ sung, hoàn thiện quy định chính sách.
Một số tổ chức hội chưa tiếp cận được nguồn ngân sách hoạt động nhiệm vụ nhà nước giao; một số quy định còn chồng chéo, nhất là trong việc tiếp nhận các dự án, hoạt động hợp tác, ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người khuyết tật và cộng đồng về lĩnh vực khuyết tật chưa đầy đủ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; năng lực của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật vẫn còn hạn chế…
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng thảo luận về một số vấn đề như bảo đảm việc bố trí, phân bổ ngân sách hiệu quả, tạo điều kiện để các tổ chức của người khuyết tật được tham gia thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức một cách toàn diện, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về nghĩa vụ cùng với quyền với người khuyết tật…
Trong phần tham luận, đại diện Ban vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đề xuất Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật hỗ trợ để Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam sớm được thành lập, giao việc cho thanh niên khuyết tật trong các hoạt động mà họ có thế mạnh như đào tạo, khởi nghiệp và tình nguyện.
Ban Thanh niên Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đề nghị nghiên cứu tăng mức bảo trợ xã hội cho người khuyết tật; đồng bộ cấp giấy xác định mức độ khuyết tật và thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ; sản xuất và đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và phương tiện cá nhân bảo đảm người khuyết tật tiếp cận sử dụng, sửa đổi chính sách để người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội…